Điểm tựa cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Xã hội - Ngày đăng : 07:05, 02/08/2016

(HNM) - Nhiều năm qua, Làng trẻ Birla, Làng trẻ SOS, Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số 2... đã trở thành

Trẻ em không nơi nương tựa được chăm sóc, bảo vệ tại Làng trẻ SOS. Ảnh: Anh Tuấn



Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, các trung tâm bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) trên địa bàn Hà Nội từ lâu đã trở thành ngôi nhà chung của các em. Có rất nhiều trung tâm, nhưng Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật Thụy An là đặc biệt nhất bởi nơi đây đang chăm sóc và nuôi dưỡng 160 trẻ, trong đó có 80 em bị bại não, khuyết tật nặng, 30 trẻ sơ sinh. Mỗi đứa trẻ là một câu chuyện của sự bất hạnh.

Đến Thụy An có thể thấy, sự kém may mắn in hằn trên chính khuôn mặt và thân thể các em. Tuy nhiên, nhờ sự tận tụy của các cán bộ trung tâm, các em đã có sức khỏe để ngày đêm chống lại bệnh tật hành hạ. Vượt qua những khiếm khuyết, đội văn nghệ của Trung tâm vẫn hằng ngày hăng say luyện tập để có thể biểu diễn mỗi khi có khách đến chơi nhà. Em Hồng Vân, 12 tuổi chỉ còn một cánh tay nhưng có giọng hát trời phú, em đã để lại ấn tượng sâu sắc trong các chương trình biểu diễn văn nghệ, gây xúc động và mến phục của nhiều đoàn khách lên thăm. Hay bé Bảo An với cơ thể khiếm khuyết cả hai tay nhưng có khuôn mặt đáng yêu, đôi mắt sáng và nghị lực phi thường. Bảo An tự luyện tập, biết mặc quần áo, đi giày dép, đi tất, lấy vật dụng hay xúc cơm ăn bằng đôi bàn chân. Hằng ngày, bé bi bô học hát, vui chơi cùng các anh chị...

Ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người già và Trẻ em tàn tật Thụy An cho biết, các em ở mỗi độ tuổi khác nhau được dạy học văn hóa, học hát, múa, được học nghề, làm nghề. Có em học nghề thành thạo, được các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhận làm nghề hưởng lương. Có em đã đỗ đại học, cao đẳng.

Tại Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số 2 Hà Nội, địa chỉ tiếp nhận trẻ HIV/AIDS, các em được tổ chức nuôi dưỡng trẻ theo mô hình gia đình: Mỗi gia đình có mẹ nuôi và từ 2 đến 3 cán bộ phụ trách. Các gia đình đều có khu trồng rau sạch, khu nuôi gia cầm nhằm giúp các em làm quen với môi trường gia đình. Ngoài ra, các em có chế độ chăm sóc, khám bệnh đặc thù tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, được đi tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như được đi khám và lĩnh thuốc định kỳ tại Bệnh viện Nhi trung ương... Được chăm sóc, điều trị, hiện nay các em đều khỏe mạnh, được đi học và tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, được học nghề phù hợp với khả năng.

Nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, Làng trẻ em Birla Hà Nội là ngôi nhà "đông con" nhất và luôn tràn ngập niềm vui, tiếng cười. Giám đốc Trung tâm Chu Đinh Điệp nói vui: "Ngôi nhà có 130 con được chia làm 4 gia đình. Mỗi gia đình có trên 30 người con, có mẹ và các anh chị, đời sống tinh thần của các con rất phong phú". Trong ngôi nhà chung ấy, trẻ em luôn được hòa nhập cộng đồng, được đi học tại các trường trên địa bàn. Đáng mừng là các em không chỉ học để xóa mù chữ, mà học sinh giỏi ngày càng nhiều. Cứ đến tháng 8 hằng năm, nơi đây lại tổ chức lễ trưởng thành cho các em. Niềm vui ngày càng được nhân lên khi năm học 2014-2015 có 19 trẻ là học sinh giỏi, con số cao nhất từ trước đến nay. Một số trẻ đã thi đỗ đại học, cao đẳng. Nhiều em được học nghề và làm việc tại các cơ sở dạy nghề có uy tín. Đến nay, Làng trẻ Birla đã có hơn 500 lượt trẻ có HCĐB ra trường, có công việc ổn định, gia đình hạnh phúc...

Tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Chương Mỹ có 119 trẻ mồ côi và trẻ khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại đây. Trung tâm thường xuyên mở 10 lớp học văn hóa cho trẻ em, trong đó có 2 lớp dành cho trẻ khuyết tật đặc biệt nặng. Ngoài ra, Trung tâm còn kết hợp với Trường Trung cấp Kinh tế Hoa Sữa dạy nghề may, giúp các em sau này có thể tự lập với cuộc sống bên ngoài.

Hiện nay, toàn thành phố có hơn 1,7 triệu trẻ em, trong đó hơn 13.000 em có HCĐB; có trên 1.000 trẻ đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Theo kế hoạch, đến năm 2020, ít nhất 98% trẻ em có HCĐB của thành phố được trợ giúp, chăm sóc phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Mong rằng trong thời gian tới, các trung tâm này hoạt động hiệu quả hơn để luôn là điểm tựa vững chắc cho trẻ em có HCĐB.

Dung Nhi