Khắc phục quá chậm trễ
Đời sống - Ngày đăng : 08:40, 02/08/2016
Máy bơn nước PCCC tại tòa nhà A3 Khu đô thị Đền Lừ hỏng 3 năm chưa được sửa thay thế |
Chậm trễ khó chấp nhận
TP Hà Nội có 109 công trình nhà tái định cư cao tầng, trong đó có 25 công trình xây dựng trước thời điểm Luật PCCC có hiệu lực. Vì thế, hầu hết công trình xây dựng trước khi có Luật PCCC đều không được quan tâm đến thiết kế cầu thang thoát hiểm, ngăn cháy lan… Cách đây 8 tháng, Ban Pháp chế HĐND thành phố đã giám sát và có kiến nghị UBND thành phố, Cảnh sát PCCC, các ngành chức năng cần sớm rà soát và có biện pháp khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót trong công tác PCCC, đặc biệt ở các khu chung cư tái định cư (CCTĐC).
Cuối tháng 7-2016, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội tiến hành khảo sát thực tế tại một số tòa CCTĐC để phục vụ nội dung trước kỳ họp thứ hai, HĐND thành phố khóa XV thì kết quả cho thấy, hiện trạng so với cách đây 8 tháng chưa có tiến triển. Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết, thời điểm khảo sát tại tòa nhà chung cư A3 - Khu đô thị Đền Lừ (Hoàng Mai), máy phát điện dự phòng cho PCCC để không đúng quy định, chung với xe máy; không có hệ thống báo cháy tự động; máy bơm nước phục vụ PCCC đã hỏng 3 năm nhưng chưa được thay thế; đặc biệt tòa nhà không có thang thoát nạn. Tương tự, nhà G - Khu đô thị Đền Lừ cũng không có thang thoát hiểm, 2 máy bơm PCCC không hoạt động. Khảo sát tại chung cư tái định cư CT5B, phường Mễ Trì Hạ có chuyển biến hơn nhưng cũng chưa được khắc phục triệt để tồn tại. Máy bơm PCCC có hoạt động xong đường ống bục vỡ; xe máy để lộn xộn ở tầng một, bịt kín chỗ thoát hiểm. Bên cạnh tòa nhà CT5B là tòa CT5A có máy bơm, nhưng họng nước lại không có nước để bơm nên nếu có cháy thì người dân cũng chịu.
“Việc chậm trễ khắc phục này là không thể chấp nhận được, vì đây là tính mạng, tài sản của các cư dân. Tới đây, Ban Pháp chế HĐND thành phố tiếp tục tái giám sát và báo cáo Thường trực để đưa vào chương trình chất vấn tại kỳ họp thứ hai, HĐND thành phố” - ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.
Máy phát điện dự phòng ở Khu đô thị Đền Lừ để chung với xe máy |
Đâu là nguyên nhân?
Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC TP Hà Nội gửi HĐND thành phố, việc khắc phục những tồn tại đối với công trình nhà xây dựng trước khi Luật PCCC có hiệu lực mới ở giai đoạn rà soát, kiểm tra, tổng hợp và đề xuất biện pháp khắc phục. Còn đối với các công trình nhà xây dựng sau khi Luật PCCC có hiệu lực, tồn tại về quy chuẩn tiêu chuẩn trang bị hệ thống phương tiện PCCC, giải pháp chống tụ khói… chưa được hướng dẫn cụ thể, nên một số công trình chưa được trang bị đầy đủ. Một nguyên nhân khác Cảnh sát PCCC thành phố đưa ra cho việc chậm trễ này là công tác quản lý về PCCC đối với các đơn vị, cơ sở còn nhiều sơ hở do lực lượng mỏng; xây dựng lực lượng PCCC cơ sở vẫn còn thiếu trang thiết bị, chế độ chính sách….
Ông Nguyễn Tiến Anh cán bộ Phòng Quản lý nhà (Sở Xây dựng) cho biết, Sở đang phối hợp rà soát, thống kê, sau đó báo cáo UBND thành phố chỉ đạo khắc phục. Hiện tại có nhiều khó khăn trong khắc phục đối với các tòa nhà xây dựng và bàn giao trước năm 2005, bởi rất nhiều hạng mục không đúng quy chuẩn theo Luật PCCC, nếu khắc phục tất cả sẽ rất tốn kém, nên phải làm từng bước.
Để bảo đảm an toàn cho nhân dân, thiết nghĩ, UBND TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt các ngành chức năng có biện pháp khắc phục ngay những hạn chế, tồn tại trên tại các tòa nhà tái định cư. Đặc biệt, Sở Xây dựng cần tham mưu cho UBND thành phố tháo gỡ vướng mắc về vốn, yêu cầu các đơn vị được thành phố giao quản lý và vận hành các tòa nhà CCTĐC có phương án, thời gian khắc phục cụ thể. Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi: “Việc đầu tư máy bơm, đường ống dẫn nước chữa cháy không tốn quá nhiều tiền, nhưng vẫn chậm khắc phục. Phải chăng công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này của Hà Nội quá lỏng lẻo và không được quan tâm đúng mức?”.
Mong rằng, những tồn tại, hạn chế về PCCC tòa nhà CCTĐC sẽ được các cấp, các ngành quan tâm, sớm khắc phục để người dân không phải lo lắng khi sống trong căn nhà của mình.