Hà Nội: Cần 31.000 tỷ đồng phát triển điện lực trong 5 năm tới

Đời sống - Ngày đăng : 11:00, 03/08/2016

(HNMO)- Nhu cầu vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2016 - 2025 là trên 60.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2016-2020 của riêng Hà Nội là 31.000 tỷ đồng

Giảm thời gian mất điện trung bình/năm của khách hàng xuống còn 250 phút vào năm 2020


Theo đó, Quy hoạch nhằm mục tiêu bảo đảm cung cấp điện ổn định và an toàn cho phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội giai đoạn này Kết cấu lưới điện được xây dựng theo hướng hiện đại, mỹ quan đô thị, độ tin cậy cung cấp điện cao, giảm thời gian mất điện trung bình xuống dưới 200 phút/năm

Quy hoạch này cũng nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn, năng lực tài chính, yêu cầu đặc thù của Thủ đô và xu thế khu vực, có sự gắn kết với quy hoạch phát triển điện lực của vùng và cả nước, quy hoạch phát triển đô thị và hạ tầng của Thủ đô.

Lưới điện sẽ từng bước được hiện đại hoá, áp dụng công nghệ tiên tiến, tự động hoá tỏng điều khiển, vận hành; sử dụng công nghệ lưới điện thông minh để giảm nhân công, tăng năng suất lao động và tối ưu hoá chi phí đáp ứng được lộ trình triển khai thị trường điện cạnh tranh. TP phấn đấu đưa lưới điện Thủ đô tiến kịp mức bình quân khá của thế giới với mức tiêu thụ bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.100 kWh/năm.

Các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch lưới điện và khối lượng thiết kế được đưa ra cụ thể với lưới truyền tải 500 kV, 220 kV, 110 kV, lưới trung áp, lưới điện phân phối hạ áp.

" Đến năm 2020 bảo đảm sử dụng 100% công tơ điện tử đo đếm từ xa. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành lưới điện và thanh toán tiền điện qua mạng. Chiều dài dây dẫn từ công tơ vào hộ sử dụng điện không quá 20m." - ông Thăng khẳng định.

Cũng theo tờ trình, tổng vốn đầu tư cho phát triển điện lực đế năm 2025 là 60.438 tỷ đồng, trong đó lưới 220kV là 9,435 tỷ đồng; lưới 110 kV là 14.908 tỷ đồng và lưới điện phân phối là 36.095 tỷ đồng.

Cơ chế huy động vốn đầu tư như sau: Ngành điện và các thành phần kinh tế khác đầu tư phần nguồn, lưới điện 220 kV trở lên. Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đầu tư lưới điện 110 KV, đầu tư lưới điện tủng áp, hạ áp và công tơ.

Đối với khách hàng là khu công nghiệp, khu thương mại - du lịch, khu đô thị... tuỳ theo năng lực ngành điện sẽ đầu tư đến chân hàng rào công trình. Lưới hạ áp được huy động một phần từ các nguồn vốn hợp pháp khác. Đường dây ra sau công tơ cấp điện đến từng hộ sử dụng điện do vốn đóng góp của dân. Chính phủ có cơ chế giá điện phù hợp để bù đắp kinh phí đầu tư hạng mục điện của các nhà đầu tư không phải thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Về quỹ đất xây dựng công trình điện, tổng nhu cầu sử dụng đất để xây dựng mới các công trình điện trong giai đoạn quy hoạch là 2.920 ha, trong đó đất giành cho xây trạm biến áp là 62,8 ha, đất giành cho hàng lang đường dây là 2.857 ha.

Tiếp sau báo cáo thẩm tra của Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân, ý kiến của ĐB Chu Văn Liên (Ba Vì), ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã có phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề về quy hoạch, phát triển lưới điện TP Hà Nội giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035

Ông Tuấn cho biết, năm 2013, thời gian mất điện trung bình của khách hàng 3995 phút. Năm 2014 con số này giảm xuống 2025 phút. Năm 2015 đạt 1363 phút. Năm 2020 ngành điện đưa ra mục tiêu đạt dưới 250 phút và dưới 200 phút vào năm 2025. Con số này đạt tương đương với thủ đô các nước khu vực Đông Nam Á, chỉ thua Singapore.

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2016 - 2025 là trên 60.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2016-2020 của riêng Hà Nội là 31.000 tỷ đồng.

" Để đáp ứng quy hoạch giai đoạn mới, bên cạnh trách nhiệm ngành điện chuẩn bị đầy đủ vốn đầu tư, thực hiện đúng quy hoạch, cần sự ủng hộ của Thành uỷ, UBND TP và các quận huyện trong bố trí quỹ đất, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư phát triển lưới điện và sự hỗ trợ đền bù GPMB trong triển khai công trình điện" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Qua biểu quyết, Nghị quyết về Quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội giai đoạn 2016-2025, xét đến năm 2035 hợp phần I đã được thông qua với tỷ lệ 91/92 đại biểu tán thành (chiếm 87,62% tổng số đại biểu HĐND TP Hà Nội)

Bảo Hân