Bài đầu: Nghịch lý sản xuất và tiêu thụ
Kinh tế - Ngày đăng : 06:35, 03/08/2016
Bài đầu: Nghịch lý sản xuất và tiêu thụ
Người tiêu dùng luôn mong muốn được sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn, nhưng bản thân nông sản sạch lại chưa bán được nhiều và sản phẩm không rõ nguồn gốc vẫn chiếm ưu thế trên thị trường. Nghịch lý trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.
Nông sản sạch hiện nay chủ yếu được tiêu thụ tại các siêu thị. |
Nhiều mô hình chỉ dừng ở... dự án
Theo TS Vũ Tuấn Anh (Viện Kinh tế Việt Nam), thực phẩm không an toàn bày bán trên thị trường còn chiếm tỷ lệ cao, trong 6 tháng năm 2016, các ngành kiểm tra phát hiện trên 5% mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt tiêu chuẩn cho phép, từ 2% đến 6% mẫu thịt có chứa chất cấm, 7% mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn, trên 20% các cơ sở sản xuất kinh doanh phân phối thực phẩm vi phạm các tiêu chuẩn về ATTP. Tỷ lệ nông sản đạt tiêu chuẩn "Thực hành nông nghiệp tốt" (GAP) còn thấp, tuy phát động phong trào “cánh đồng mẫu lớn” trên cả nước sản xuất lúa gạo theo GAP, nhưng với diện tích khoảng 20.000ha trong tổng số 4 triệu héc ta trồng lúa, cung cấp 120.000 tấn lúa, tương đương 60.000 tấn gạo sạch, thì đây vẫn là con số nhỏ. Do chi phí sản xuất theo hướng an toàn cao mà thị trường chưa có sự minh bạch giữa "sạch" và "bẩn" khiến nông dân không mặn mà. Ngoài ra, chi phí cho sản xuất sạch thường cao hơn, chỉ tính riêng chi phí để chứng nhận tiêu chuẩn GAP cho mỗi “cánh đồng mẫu lớn” cũng lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, khiến cho việc nhân rộng mô hình khá khó khăn.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, việc bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất kinh doanh của người dân chưa cao, chưa triệt để, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, nhất là đối với đối tượng hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Phần lớn các dự án, mô hình khi thực hiện thí điểm thì thành công, đến khi nhân rộng đại trà lại gặp khó hoặc dừng lại, vì hết kinh phí hỗ trợ vốn, kỹ thuật.
Xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, có diện tích nuôi trồng thủy sản gần 200ha, để bảo đảm vệ sinh ATTP, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, năm 2008 huyện đã xây dựng vùng nuôi thủy sản an toàn với diện tích 24ha. Thời gian đầu mô hình phát huy hiệu quả cao, người dân chăn nuôi theo hướng an toàn, ghi chép sổ sách nhật ký chăm sóc, nhưng hết thời gian hỗ trợ, nông dân lại quay về nuôi theo cách truyền thống, vì chi phí nuôi cá an toàn cao hơn 10% so với nuôi thông thường, trong khi giá bán như nhau.
“Tan giấc mơ” vì đầu ra
Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT) Phùng Hữu Hào cho biết, cả nước đã hình thành một số chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn ở các siêu thị như: Metro, BigC, Fivimart, Vinmart+. Hệ thống các cửa hàng chuyên kinh doanh như: BigGreen, cửa hàng thực phẩm T&T, Bác Tôm…, chuỗi mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh, thành phố, nhưng số lượng nông sản an toàn ở các cơ sở này còn khiêm tốn. “Trong mua bán thực phẩm, những tiêu chuẩn tươi, đẹp, bắt mắt, thơm ngon và rẻ thường được người tiêu dùng ưu tiên hơn, đồng nghĩa với sạch, an toàn. Vì vậy, nông sản mà nông dân sản xuất và chế biến không an toàn vẫn được tiêu thụ phổ biến tại chợ, trên đường phố, các hàng quán bình dân, thậm chí được đưa vào tiêu thụ ở siêu thị, nhà hàng cao cấp” - ông Hào nói.
Nông sản sạch có giá thành cao hơn, nhưng hệ thống kinh doanh riêng chưa có, nên không được nông dân nhân rộng. Trong khi đó, nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn GAP như lúa, cây ăn quả, chè… ở một số địa phương do không có đầu mối đưa đến tận tay người tiêu dùng nên sau khi thu gom, các thương lái lại trộn lẫn với nông sản trồng theo phương thức thông thường. Vì vậy, giá cũng chỉ ở mức thông thường.
Có thể nói, đầu ra tiêu thụ là trở ngại lớn nhất hiện nay làm “tiêu tan” sự hào hứng của người sản xuất đối với nông sản sạch. Trưởng nhóm Hội Nông dân thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú (Chương Mỹ) Lê Trọng Quỳnh chia sẻ, tháng 6-2012, được sự hỗ trợ của dự án sản xuất lúa hữu cơ Nhật Bản hợp tác với Trường Đại học Nông nghiệp I (PAMCI), xã triển khai thí điểm giống lúa Bắc thơm số 7. Do đó, gạo Đồng Phú sản xuất theo hướng hữu cơ PAMCI và phương pháp Sri không hóa chất nông nghiệp được người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, vụ chiêm năm 2015, mô hình này của thôn Thượng Phúc chỉ tiêu thụ được từ 38 đến 40 tấn gạo sạch, bằng 1/3 so với sản lượng của nhóm sản xuất ra. Trong khi đó, để xây dựng thương hiệu gạo Đồng Phú, xã mất từ 200 đến 300 triệu đồng và phải dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
(Còn nữa)