"Sải cánh" trong thế giới động vật hoang dã

Văn hóa - Ngày đăng : 07:13, 04/08/2016

(HNM) - Hơn 100 bức ảnh do hai nhiếp ảnh gia nghệ thuật gốc Việt Andy Nguyễn và Đặng Mỹ Hạnh thực hiện trong cuộc phiêu lưu khắp thế giới hoang dã, sẽ được trưng bày tại tầng 5, Hanoi Creative City (số 1 Lương Yên, Hà Nội) từ ngày 5 đến 7-8.

“Loài nhàn thanh lịch” - Một tác phẩm tại triển lãm.


Hai nhiếp ảnh gia Andy Nguyễn và Đặng Mỹ Hạnh có kinh nghiệm 15 năm “săn” ảnh động vật hoang dã trên khắp thế giới. Riêng Andy Nguyễn có tới 30 năm cầm máy, đã thể nghiệm và phát triển phong cách nghệ thuật độc đáo để chụp những "shot" hình chim đang bay kể từ khi ảnh kỹ thuật số ra đời. Anh là người Việt Nam đầu tiên đoạt giải “BBC Wildlife Photographer” (năm 2009) danh giá và đạt nhiều giải thưởng hàng đầu thế giới về đề tài động vật hoang dã. Nhiều tác phẩm của anh được đăng tải trên các tạp chí nổi tiếng thế giới và những tạp chí chuyên ngành về nhiếp ảnh như National Geographic. Còn Đặng Mỹ Hạnh là nữ nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp gốc Việt duy nhất về thể loại này. Ngoài chủ đề về thế giới tự nhiên, chị còn đem đến cho người xem những ký sự chuyên sâu về động vật hoang dã. Đặng Mỹ Hạnh cũng sở hữu những giải thưởng quan trọng, trong đó có giải nhất cuộc thi “International Milvus Nature Photography”.

Hai nghệ sĩ có tiếng trong làng nhiếp ảnh hoang dã thế giới có bề ngoài giản dị, dễ gần. Ẩn sâu trong vẻ "phủi, bụi" của người chuyên đi rừng, đến những vùng đất ít dấu chân người, là một Đặng Mỹ Hạnh nữ tính, dịu dàng. Chị say sưa kể về các loài động vật, khi nhắc đến nỗi sợ hãi lúc gặp hiểm nguy trong những chuyến đi mà ngay cả nhiều nam nhiếp ảnh gia cũng phải toát mồ hôi dù chỉ mới nghĩ đến. Andy Nguyễn ít nói hơn, anh giới thiệu rằng: "Mỗi tác phẩm là một dấu chấm nhỏ trong hành trình dài nghệ thuật của chúng tôi. Mỗi sinh linh tự thân đã đẹp, và cần trao cho chúng quyền được sống”.

Để dấn thân vào thế giới thiên nhiên hoang dã, các nghệ sĩ không chỉ cần có kỹ thuật nhiếp ảnh tốt, mà còn cần am hiểu về loài vật mình muốn “săn”, đặc biệt là sự can trường, nhẫn nại. Mỗi chuyến đi không giới hạn ngày về của họ luôn đầy nặng những thiết bị, phụ kiện và vật dụng cá nhân. Mỹ Hạnh nói rằng mình phải tập tạ thường xuyên để vác được những chiếc máy nặng tới chục cân, giữ chúng trong cùng một tư thế suốt nhiều giờ. Andy kể: “Mình rình chụp cò thì cá sấu cũng rình rập phía sau mình”. Chuyện gặp các loài thú dữ là bình thường, “nhưng chúng không tấn công khi bạn không kích động chúng”, hai nghệ sĩ chia sẻ.

Triển lãm đưa người xem trải nghiệm về sự sống động, kỳ thú của thế giới động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim. Khác với các loài thú như tê giác, voi, hổ, báo, sư tử… thường di chuyển chậm trong phần lớn thời gian, hoặc ở trong trạng thái tĩnh, khoảnh khắc của các loài chim chỉ là một tích tắc đối với nhiếp ảnh gia. Ngắm nhìn dáng bay tuyệt đẹp của loài chim đớp ruồi đuôi kéo, sải cánh vĩ đại của loài cú trắng, sắc màu huyền mặc của hạc đồi cát hay vũ điệu tình yêu thật quyến rũ của các loài chim…, người xem mê đắm, cảm nhận mình như được sải cánh trong không gian bất tận.

Ngoài triển lãm này, hai nhiếp ảnh gia trở về từ Mỹ còn ấp ủ nhiều dự định nghệ thuật ở nước nhà. Họ đang dành thời gian để tìm hiểu về tài nguyên rừng Việt Nam, bắt đầu có những chuyến đi đến Khu cứu hộ linh trưởng nguy cấp ở Ninh Bình. Nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh cho biết, chị rất muốn góp phần bảo vệ thiên nhiên tươi đẹp của quê hương, ban đầu sẽ bằng những bức ảnh, rồi những bài viết về động vật hoang dã. Chắc chắn, sau khi đã được thưởng thức triển lãm này, công chúng sẽ háo hức đón chờ những kiệt tác ở Việt Nam của họ.

An Nhi