Vẫn thiếu giải pháp căn cơ
Đời sống - Ngày đăng : 07:24, 04/08/2016
Làng nghề phát triển
Ngay khi đặt chân đến đầu xã Thanh Thùy, ai cũng nhận ra đây là làng nghề cơ kim khí, bởi bao trùm những âm thanh chát chúa “đinh tai, nhức óc” phát ra từ nhiều loại máy chuyên dụng phục vụ phát triển làng nghề. Ấn tượng nhất là con đường vào thôn Rùa Hạ, với nhiều cơ sở sản xuất cơ kim khí san sát, xe ô tô các loại ra vào nhập nguyên liệu, xuất hàng nườm nượp, biến nơi đây thành một “cụm công nghiệp” thu nhỏ. Càng đi sâu vào thôn Rùa Hạ, sang thôn Từ Am, không khí sản xuất nghề truyền thống của người dân càng thêm sôi động. Dừng chân ở một điểm có nhiều xưởng sản xuất lớn tại thôn Rùa Hạ độ mươi phút, phóng viên chứng kiến cảnh mặt đất rung lên bần bật bởi những chiếc máy dập của các hộ đang hoạt động hết công suất; công nhân làm việc tại các cơ sở này khá hối hả.
Làng nghề Thanh Thùy (Thanh Oai). |
Chia sẻ về nghề truyền thống của địa phương, ông Nguyễn Đức Tuế - Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy cho biết, cả 6 thôn trong xã đều có nghề truyền thống thu hút 1.700/1.927 hộ làm nghề với khoảng 5.000 lao động, trong đó, 5 thôn gồm: Rùa Thượng, Rùa Hạ, Từ Am, Gia Vĩnh, Dụ Tiền làm nghề cơ kim khí; duy chỉ có làng Dư Dụ làm nghề điêu khắc gỗ. Theo ông Tuế, mấy năm gần đây, nghề truyền thống tại xã Thanh Thùy, nhất là nghề cơ kim khí phát triển mạnh cả về số hộ và quy mô sản xuất, nhiều hộ lắp đặt các dây chuyền sản xuất khép kín, sản xuất đa dạng các sản phẩm, như bản lề, cửa hoa, cửa sắt, đồ điện gia dụng, phụ tùng xe máy, xe đạp… Trong số 1.700 hộ làm nghề, có trên 400 hộ sản xuất nghề cơ kim khí và điêu khắc quy mô lớn. Sản phẩm của làng không chỉ được bán ở trong nước mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng tìm về đặt hàng. Nghề cơ kim khí đã góp phần đưa tỷ trọng ngành tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ của xã tăng lên 80% (năm 2015). Thế nhưng, đại đa số các hộ dân vẫn sản xuất ngay trong khu dân cư; mới có gần 70 hộ chuyển ra Cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thùy để sản xuất.
Sống chung với... ô nhiễm
Nghề truyền thống phát triển đã giúp người dân nơi đây có cuộc sống ngày càng sung túc, đi dọc làng trên, xóm dưới, đâu đâu cũng thấy nhà cao tầng được xây dựng khang trang. Thế nhưng, không ít người dân trong xã khi được hỏi về chất lượng môi trường sống đều lắc đầu ngao ngán. Chị Phượng, thôn Rùa Thượng buồn bã: “Có nghề phụ, đời sống của người dân có khá thật, thế nhưng ngược lại môi trường sống lại bị ô nhiễm bủa vây, dân khổ lắm. Từ nhiều năm nay, chúng tôi phải sống chung với ô nhiễm không khí, tiếng ồn và đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Biết là càng phát triển nghề thì môi trường càng ô nhiễm, nhưng vì miếng cơm manh áo người dân chúng tôi vẫn phải bám nghề”.
Tìm hiểu được biết, nguồn thải nguy hại nhất ở Thanh Thùy hiện nay là nước thải từ khoảng 20 lò mạ kim khí, sơn tĩnh điện ở các làng nghề không được xử lý, xả thẳng ra hệ thống kênh, mương của các làng. Hóa chất độc hại trong nước thải đã khiến toàn bộ hệ thống kênh, mương thoát nước và hệ thống mương tưới tiêu quanh làng bị ô nhiễm, bốc mùi nồng nặc khiến cuộc sống của người dân luôn ngột ngạt. Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, nước thải từ các làng nghề ở Thanh Thùy còn ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp của người dân. Nhiều thửa ruộng lúa đang xanh tốt, gặp nước thải từ các lò mạ xả ra bị lốp, lúa trỗ không đều, hạt không chắc, năng suất giảm mạnh, thậm chí mất mùa. Ngoài nước thải, các loại bụi phát sinh trong quá trình sản xuất nghề cơ kim khí, điêu khắc tượng gỗ, phun sơn PU; rác thải công nghiệp không được đưa đi xử lý kịp thời; tiếng ồn phát ra từ các máy đột dập, thùng xóc mạ, tôn, tiếng đục thùng phuy… đã và đang là nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Thanh Thùy.
Nói về giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề, ông Nguyễn Đức Tuế cho biết, những năm qua, xã đã áp dụng nhiều giải pháp như: Xây dựng quy ước bảo vệ môi trường làng nghề; mở các lớp tập huấn giúp người dân nâng cao kỹ năng sản xuất và ý thức bảo vệ môi trường; xây dựng cụm công nghiệp làng nghề xa khu dân cư, chuyển các hộ sản xuất quy mô lớn ra ngoài khu dân cư; triển khai dự án VIPEC do Chính phủ Canada tài trợ nhằm nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý môi trường một cách hiệu quả… Tuy nhiên đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường ở Thanh Thùy vẫn không được cải thiện.
Được biết, khó nhất trong thực hiện giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường ở Thanh Thùy là các làng nghề phát triển tự phát, tất cả các xưởng sản xuất, kinh doanh cơ kim khí, điêu khắc gỗ đều nằm xen kẽ trong khu dân cư; các lò mạ nhỏ lẻ vẫn sản xuất và xả thải trực tiếp ra kênh mương nhưng chính quyền không thể xử lý được vì quy mô sản xuất nhỏ lẻ, số hộ làm nghề mạ thường xuyên biến động. Hơn nữa, ngay tại cụm công nghiệp của xã đã được đầu tư cơ bản hạ tầng, nhưng vẫn chưa có khu xử lý nước thải riêng mặc dù đã có quỹ đất. Theo đó, từ nhiều năm nay, nước thải từ các xưởng mạ và sơn tĩnh điện tại đây vẫn được xả trực tiếp ra môi trường.
“Mong muốn lớn nhất của chính quyền địa phương và người dân xã Thanh Thùy là mở rộng cụm công nghiệp làng nghề nhằm thu hút thêm các hộ sản xuất lớn ra xa khu dân cư. Có như vậy mới dần dần khắc phục được ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Nếu không di chuyển được các hộ ra khu sản xuất tập trung thì không bao giờ giải quyết dứt điểm được tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề” - ông Tuế khẳng định.