Bài cuối: Tháo rào cản cho nông nghiệp an toàn
Kinh tế - Ngày đăng : 07:01, 04/08/2016
Xây dựng vùng an toàn quy mô lớn
Theo TS Vũ Tuấn Anh (Viện Kinh tế Việt Nam), để nông sản an toàn có thể đứng vững trên thị trường và đến tay người tiêu dùng, các tỉnh, thành phố trên cơ sở hỗ trợ của Nhà nước cần xây dựng những vùng sản xuất an toàn quy mô lớn, song phải chọn những địa phương có lợi thế và tiềm năng. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này, để liên kết các hộ dân lại với nhau theo quy trình khép kín nhằm quản lý được nguồn gốc xuất xứ, để DN trực tiếp thu mua và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Còn Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng kiến nghị, Nhà nước cần tạo cơ chế khuyến khích DN sản xuất kinh doanh nông sản an toàn như: Ô tô chở nông sản an toàn được lưu thông trong thành phố, miễn thuế thu nhập DN trong thời gian đầu, miễn thuế VAT sản phẩm nông sản an toàn. Đồng thời, tăng cường sự liên kết giữa DN kinh doanh nông sản an toàn với các viện, trung tâm nghiên cứu, DN, các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, các tổ chức nước ngoài để trao đổi thông tin, chuyển giao, tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các chương trình, đề tài dự án của các viện, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước triển khai về xây dựng vùng nông sản an toàn cần kéo dài thời gian để chuyển giao lại cho DN và nông dân mang lại hiệu quả và tăng tính bền vững sau khi dự án kết thúc.
Cánh đồng sản xuất rau an toàn của xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Bá Hoạt |
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho biết, để các mô hình nông nghiệp an toàn phát huy hiệu quả, cần phát triển theo quy hoạch vùng sản xuất lớn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ giới hóa. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức cho người sản xuất, nhất là ở các vùng trồng rau, chăn nuôi an toàn theo các quy chuẩn "Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam" (VietGAP), "Hệ thống phân tích mối nguy hại và điểm kiểm soát tới hạn do ủy ban tiêu chuẩn hóa thực phẩm ban hành" (HACCP)… cũng rất quan trọng. Nhà nước hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, tạo điều kiện để hỗ trợ, khuyến khích các DN, người dân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp an toàn. Chị Nguyễn Thị Nhung, hộ sản xuất rau hữu cơ ở xã Thanh Xuân (Sóc Sơn) cho rằng, tiềm năng rau hữu cơ trên địa bàn xã là có, song vì diện tích nhỏ, manh mún nên chưa thể phát triển mạnh. Mà muốn mở rộng quy mô lại vấp phải khó khăn do nguồn vốn đầu tư lớn. Các hộ sản xuất rất mong Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho nông dân về vốn, cơ sở hạ tầng, nhà lưới, mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật trong chăm sóc, liên kết "bốn nhà" trong tiêu thụ sản phẩm…
Giám sát sản phẩm an toàn theo chuỗi
Đa số các DN kinh doanh nông sản an toàn đều ủng hộ việc Nhà nước tăng cường thanh - kiểm tra sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, phân tích đánh giá mẫu sản phẩm ở vùng sản xuất và ở cơ sở kinh doanh, song cần có chính sách hỗ trợ việc phân tích mẫu sản phẩm nông sản an toàn cho DN. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, để phát triển nông sản an toàn, người tiêu dùng cần nâng cao vai trò trong việc chung tay hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng nông sản, trong đó ủng hộ nông sản có xuất xứ, xác nhận an toàn với giá cả hợp lý, nói không với thực phẩm bẩn. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội giám sát, phát hiện các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn. Các địa phương tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp an toàn, quảng bá, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản an toàn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho biết, hiện đầu ra cho sản phẩm an toàn đang gặp khó khăn, Nhà nước cần có cơ chế chính sách mạnh để khuyến khích sản xuất, phân phối thực phẩm sạch, tạm thời miễn thuế, phí cho sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn VietGAP…; cần kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ, khuyến khích phát triển các chuỗi sản xuất an toàn, hiệu quả. Hỗ trợ cho DN tham gia các hội chợ trong và ngoài nước để quảng bá giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Các DN cần xây dựng các chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm an toàn để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng… Đồng thời, DN cần tự giác nhận thức về thương hiệu bán thực phẩm sạch cho nhân dân, kinh doanh một cách có văn hóa, có lương tâm với tiêu dùng xã hội, đừng vì lợi nhuận mà bỏ qua những nguyên tắc cơ bản trong quản lý sản phẩm an toàn, trong sản xuất và phân phối. Người tiêu dùng cần tẩy chay những DN, tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP, ủng hộ những đơn vị làm ăn nghiêm túc trên thị trường…