“Vàng đen” tiếp tục lao dốc
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:54, 04/08/2016
Tuy nhiên, sự hân hoan ấy không kéo dài được bao lâu, kết thúc phiên giao dịch ngày 2-8, giá dầu đã chọc thủng mốc 40 USD/thùng. Trên thị trường New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9-2016 chỉ còn 39,76 USD/thùng. So với mức đỉnh 50,36 USD/thùng thiết lập đầu tháng 6-2016, giá dầu đã giảm hơn 20%. Tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tháng 10-2016 cũng giảm xuống 41,92 USD/thùng. Với những gì đang diễn ra, khả năng giá dầu duy trì ở mức 43-45 USD/thùng trong quý IV như dự đoán trước đây khó trở thành hiện thực.
Việc Mỹ bổ sung nhiều giàn khoan dầu làm cho nguồn cung thừa thãi. |
Theo các nhà phân tích, nguyên nhân chính dẫn đến sự lao dốc của "vàng đen" lần này vẫn là tình trạng thừa thãi nguồn cung. Đặc biệt kể từ khi giá dầu rục rịch tăng cách đây 2 tháng, nhiều quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đã tranh thủ cơ hội tăng sản lượng dầu tung ra thị trường. Trong đó, đáng chú ý nhất là Iraq. Ngày 1-8, các quan chức phụ trách dầu mỏ nước này xác nhận, sản lượng dầu thô của quốc gia vùng Vịnh đã tăng từ 3,175 triệu thùng/ngày trong tháng 6 lên 3,2 triệu thùng/ngày trong tháng 7, thời điểm lực lượng quân đội giành lại quyền kiểm soát một số cơ sở quan trọng trong mạng lưới sản xuất và cung ứng dầu thô từng bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm dụng. Các tập đoàn khai thác dầu mỏ của Mỹ cũng bổ sung thêm 44 giàn khoan. Như vậy, chỉ trong 2 tháng vừa qua, số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ đã tăng tới 20%.
Trong khi đó, mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) về "cuộc chiến" thị phần vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện tổ chức này bị chia rẽ thành hai phe chính. Nhóm do Algeria, Venezuela đứng đầu muốn từ bỏ biện pháp duy trì sản lượng nhằm bảo vệ thị phần trước các nước không là thành viên OPEC. Nhóm còn lại gồm Saudi Arabia, Kuwait, Qatar và Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất muốn tiếp tục "cuộc chiến" này. Vì thế, các thành viên OPEC không thể đạt được thỏa thuận nào liên quan tới cắt giảm sản lượng.
Saudi Arabia, quốc gia được xem như nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu kiêm thủ lĩnh OPEC, đang duy trì sản lượng khai thác gần với các mốc cao kỷ lục của nước này để giành lại thị phần đã mất. Trong khi đó, Iran liên tục tăng khả năng khai thác phục vụ xuất khẩu nhằm phục hồi kinh tế sau khi được dỡ bỏ trừng phạt liên quan tới chương trình hạt nhân. Việc Libya quay trở lại thị trường năng lượng sau 4 năm khủng hoảng chính trị cũng là một yếu tố tạo áp lực đẩy "vàng đen" rớt giá. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, với tình trạng quá dư thừa và tốc độ cân bằng cung cầu thị trường diễn ra chậm như hiện nay thì kể cả những bất ổn địa chính trị, ví như căng thẳng tại Nigeria cũng không đủ để giúp giá dầu tăng trở lại. Nhiều ý kiến còn cho rằng, cuộc chiến giành thị phần có thể dẫn tới việc các quốc gia cố tình hạ giá thấp để cạnh tranh, dẫn tới việc "vàng đen" khó đảo chiều.
Ngày 3-8, ông John Kilduff, một trong những nhà sáng lập Công ty Again Capital - chuyên nghiên cứu, phân tích thị trường của Mỹ - cho rằng, việc giá dầu xuống dưới 40 USD/thùng đã phá vỡ mốc hỗ trợ tâm lý của các nhà đầu tư. Đây là nguy cơ khiến giá dầu có thể trượt xuống mốc 36 USD/thùng. Đồng thời ông John Kilduff cảnh báo các nhà đầu tư chuẩn bị tâm thế trước khả năng giá dầu giảm tới 26,05 USD/thùng trong mùa đông năm nay. Điều này nếu xảy ra sẽ là một tin xấu đối với các nước phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu mỏ như Nga, Venezuela... Ngay cả lãnh đạo Saudi Arabia, quốc gia tỏ ra "gan lì" nhất trước sự đi xuống của giá dầu thời gian qua, cũng chưa chắc có thể ngồi yên trước áp lực suy giảm ngân sách kéo dài.