Quản lý thú y: Còn nhiều bất cập
Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 05/08/2016
Cơ quan chức năng kiểm tra Trạm Thú y huyện Đan Phượng. Ảnh: Thái Hiền |
Rủi ro dịch bệnh lớn
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam Lê Bá Lịch, Ngành Chăn nuôi Việt Nam tồn tại nhiều yếu kém, trong đó hệ thống thú y từ trung ương tới cơ sở còn bất cập. Mặc dù mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu hàng tỷ USD vắc xin phòng, chống dịch bệnh; người dân bỏ tiền ra mua các loại thuốc về tiêm cho gia súc, gia cầm nhưng dịch bệnh như dịch lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả… vẫn xảy ra gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Ý thức chấp hành Pháp lệnh Thú y của người dân chưa tốt trong khi đến nay các ngành chức năng vẫn chưa quản lý được việc giết mổ gia súc, gia cầm ở khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Cả nước có trên 28.000 cơ sở giết mổ, gia súc, gia cầm nhưng số cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát chỉ đạt 10-20%, số còn lại giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y.
“Việc quản lý chất lượng thuốc thú y, vắc xin rất yếu kém. Cục Thú y vừa là đơn vị cấp phép vừa kiểm tra chất lượng và chỉ đạo chống dịch nên hiệu quả thấp. Thuốc và vắc xin chất lượng tốt, xấu lẫn lộn bán tràn lan trên thị trường” - ông Lịch nhận định. Còn theo bà Nguyễn Thị Hằng - Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở đã kiểm tra 32 đơn vị kinh doanh thuốc thú y, chăn nuôi thì phát hiện và xử lý hành chính 9 đơn vị vi phạm các lỗi về ghi sai nhãn mác hàng hóa, kinh doanh thuốc thú y không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, thuốc hết hạn sử dụng…
Ông Nguyễn Văn Cảm, hội viên Hội Thú y Việt Nam cho biết: Hiện nay, hệ thống thú y ở Việt Nam còn bất cập bởi mạng lưới thú y cơ sở nơi có, nơi không. Việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm chưa đồng bộ, nơi tổ chức tiêm phòng, nơi không tiêm phòng hoặc tiêm với tỷ lệ thấp, nhất là ở các tỉnh miền núi. Khi dịch bệnh xảy ra, hầu hết nông dân tự đi mua thuốc chữa bệnh cho gia súc, gia cầm, nếu không khỏi bệnh sẽ "bán chạy" cắt lỗ...
Quản lý chặt chẽ từ trên xuống cơ sở
Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam Lê Bá Lịch cho rằng, để nâng cao trách nhiệm quản lý hệ thống thú y từ trung ương đến địa phương, hạn chế dịch bệnh, kiểm soát tốt các lò giết mổ cũng như thuốc thú y, vắc xin, thời gian tới các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhân dân tự giác thực hiện các quy định của Pháp lệnh Thú y. Đồng thời, đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, đưa vào nội dung thi đua của các xã, thôn để họ thấy được trách nhiệm của mình trong việc sản xuất ra sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ NN&PTNT cần tăng cường chống tiêu cực trong sản xuất thuốc thú y và vắc xin thú y, quyết liệt xử lý tình trạng thuốc và vắc xin chất lượng kém tung ra thị trường. Trong trường hợp phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng cần đình chỉ hoặc kỷ luật thủ trưởng cơ quan quản lý. Đây là biện pháp chống lợi ích nhóm, chống tiêu cực trong quản lý vắc xin và thuốc thú y tích cực nhất.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần lập lại kỷ cương trong quản lý, hoạt động kinh doanh thuốc thú y, vắc xin thú y ở các cấp, các ngành, đồng thời sớm xây dựng mạng lưới thú y đến tận bản, làng, thôn, xã. Mỗi làng, bản cần có 1 thú y viên được hưởng phụ cấp và quy định rõ chức năng nhiệm vụ để thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y trên địa bàn. Mỗi xã phải được trang bị một tủ túi thuốc tiêm phòng bệnh, tiêm chữa bệnh và bảo quản vắc xin, đồng thời, có quy định bắt buộc người dân phải tiêm phòng và xã hội hóa công tác tiêm phòng để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh ở cơ sở. Khi đã đầu tư thỏa đáng cho công tác thú y, dịch bệnh xảy ra ở nơi nào, gây thiệt hại cho người dân thì xử lý trách nhiệm các đơn vị có liên quan theo pháp luật để không lãng phí tiền của Nhà nước.