Cổ phiếu của bầu Đức đã rẻ hơn bó rau muống

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 23:03, 05/08/2016

Những phiên điều chỉnh của thị trường chứng khoán gần đây đã kéo nhiều mã cổ phiếu xuống giá thấp nhất trong lịch sử giao dịch.

Điển hình là mã HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), hiện đang giao dịch ở mức rẻ hơn bó rau muống, là 5.000 đồng mỗi cổ phiếu. Sau bốn phiên giảm, hôm nay mã HAG tiếp tục bị bán tháo và có thời điểm giảm sàn xuống chỉ còn 5.100 đồng mỗi cổ phiếu.

Như vậy, trong tuần giao dịch này, HAG đã mất khoảng 20% giá trị, khiến cho vốn hóa của HAG chỉ còn 4.265 tỷ đồng. Tài khoản của bầu Đức cũng sụt giảm mạnh trước sự sụt giảm của HAG.

Trong phiên giao dịch dịch sáng nay (5/8), tài sản của bầu Đức đã bốc hơi hơn 104 tỷ đồng và giảm xuống chỉ còn 1.773 tỷ đồng, ít hơn người đứng ở vị trí thứ năm là bà Trương Thị Lệ Khanh với tổng tài sản là 2.369 tỷ đồng. Việc HAG liên tục, ngoài xu thế chung của thị trường còn bắt nguồn từ những khó khăn về tài chính mà tập đoàn này đang đối mặt.

Ông Đoàn Nguyên Đức. Ảnh: TP.


Tính đến cuối năm 2015, nợ phải trả của HAGL lên đến 32.900 tỷ đồng, trong đó ba chủ nợ lớn nhất của tập đoàn này là BIDV với hơn 10.000 tỷ đồng, Eximbank với gần 4.000 tỷ đồng và VP Bank với 2.800 tỷ đồng.

Tình trạng nợ của HAGL nguy cấp đến mức, Ngân hàng Nhà nước phải triệu tập cuộc họp với các chủ nợ nhằm tái cơ cấu lại các khoản vay trong tháng 5. Theo đó, các ngân hàng thương mại chủ nợ đã xin cho HAGL được giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi một số khoản nợ, thống nhất trình Ngân hàng Nhà nước xin tái cơ cấu một số khoản nợ.

Trong bảng báo cáo thường niên 2016, bầu Đức cho biết: "HAGL gặp khó khăn về dòng tiền. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng, khó khăn này chỉ là tạm thời vì các dự án đầu tư của HAGL đều có nhiều tài sản giá trị, có khả năng tạo ra dòng tiền để trả nợ nếu được tiếp tục đầu tư, chăm sóc và tăng cường quản lý hơn nữa.

Với việc thực hiện tái cơ cấu nợ thì chúng tôi tự tin sẽ vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển".

Tuy vậy, sự tự tin của bầu Đức cộng với thông tin HAGL được giải cứu chỉ có thể giúp cổ phiếu HAG tăng trần trong hai phiên giao dịch ngày 17 và 18/5, lên mức 8.400 đồng mỗi cổ phiếu. Đây cũng là mức giá cao nhất của HAG trong năm 2016.

Sau những phiên giao dịch hứng khởi này, HAG quay lại xu thế giảm, do nhà đầu tư lo ngại về kết quả kinh doanh quý II/2016 của HAGL. Lo ngại này càng thêm có cơ sở khi đến thời điểm hiện nay, HAGL vẫn chưa công bố báo cái tài chính quý II/2016.

Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, trong khi các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đều đã hoàn thành việc tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2016, thì cổ đông của HAGL vẫn mù tịt về vấn đề này.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã có công văn nhắc nhở lần thứ hai đối với HAGL và công ty con, là Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) về việc chậm nộp báo cáo tài chính quý II/2016.

Ngày 2/8, HAGL chính thức khai trương khách sạn 5 sao Melia Yangon tại thành phố Yangon (Myanmar). Meila Yangon được kỳ vọng là sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho HAGL, nhưng thông tin này cũng không thể cứu vãn một HAGL đang ngày càng thiếu chuyên nghiệp và kém minh bạch dưới mắt nhà đầu tư.

Từ sự chậm trễ trong việc công bố báo cáo tài chính, ngày tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2016.

Trước đó, ông Hồ Đắc Quang là người liên quan của bà Hồ Thị Kim Chi, Phó tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng HAGL, đã giao dịch mua và bán 30.680 cổ phiếu HAG nhưng không thực hiện công bố thông tin.

Trong bối cảnh thị trường thiếu thông tin tích cực như hiện nay, khả năng HAG tiếp tục bị bán tháo trong thời gian tới là hoàn toàn có khả năng. Nếu kết quả kinh doanh quý II sắp được HAGL công bố vẫn không có sự đột biến, nhiều khả năng HAG sẽ giảm xuống dưới mốc 5.000 đồng mỗi cổ phiếu trong tuần tới.

Với mức giá này, HAG lần đầu tiên được xếp vào nhóm cổ phiếu bèo trên trị trường chứng khoán.

Theo Thảo Nguyên/Zing