Đan Phượng phải luôn dẫn đầu toàn thành phố về nông thôn mới

Chính trị - Ngày đăng : 15:44, 05/08/2016

(HNMO)- Ngày 5-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với Huyện uỷ Đan Phượng về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị 7 tháng và nhiệm vụ trọng tâm 5 tháng cuối năm 2016.

Cùng đi có các Ủy viên Thường vụ Thành uỷ: Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, lãnh đạo Văn phòng Thành uỷ và một số sở, ban, ngành.



Sau khi nghe lãnh đạo các cơ quan thành phố trao đổi, thảo luận về phương hướng phát triển và các kiến nghị của huyện, kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải khẳng định, Đan Phượng nổi tiếng là một vùng đất cổ,“địa linh nhân kiệt”, một địa bàn chiến lược quan trọng của Thủ đô, nhân dân có truyền thống đoàn kết, hiếu học, cần cù, sáng tạo; đóng góp nhiều vào quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Những năm qua, huyện đã phát huy tốt nội lực, vượt qua khó khăn, vươn lên nhanh chóng trở thành huyện đầu tiên của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới. Biểu dương, đánh giá cao những thành tích, đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện, Bí thư Thành ủy đồng thời chỉ ra những hạn chế, khó khăn đang đặt ra đối với huyện. Nổi bật là “điểm nghẽn” về hạ tầng khi mà cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đều chưa “đi trước một bước”.


Bí thư Thành ủy chỉ đạo để tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, trước hết, Đan Phượng cần tiếp tục xây dựng, củng cố các tổ chức trong hệ thống chính trị sao cho ngày càng công khai, minh bạch, hiệu quả. Huyện ủy cần chỉ đạo tập trung thực hiện tốt Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI), Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; bám sát 8 chương trình công tác lớn của Thành uỷ; thực hiện quyết liệt, đúng tiến độ Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về “tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”… Theo Bí thư Thành ủy, thế mạnh lớn nhất của Đan Phượng hiện nay vẫn là con người. Huyện cần có giải pháp nhằm đổi mới tư duy của người dân, của cả hệ thống chính trị. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần đóng góp tích cực vào cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư. “Các đồng chí phải rà soát xem lại tất cả các phòng, ban, cơ quan, đơn vị để tìm ra những vướng mắc, bất cập có thể tháo gỡ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thì phải làm quyết liệt. Tôi vẫn nói với các đồng chí rằng, cải cách hành chính là việc có lợi vô cùng lớn, nhưng lại không mất tiền, chúng ta chỉ cần có quyết tâm, quyết tâm thay đổi nhận thức là làm được.”- Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.



Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Đan Phượng cần phát huy thế mạnh của huyện ven đô, có vùng đất bãi ven sông Hồng màu mỡ phù sa, có truyền thống thâm canh trình độ cao để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Huyện cần tập trung triển khai thực hiện các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao để cung cấp cho thị trường Hà Nội như: vùng lúa chất lượng cao ở xã Song Phượng, Đan Phượng; vùng rau an toàn chuyên canh tập trung ở Phương Đình, Thọ An; vùng cây ăn quả tập trung ở Thượng Mỗ, Phương Đình; vùng hoa ứng dụng công nghệ cao ở Đồng Tháp, Hạ Mỗ, Đan Phượng, Song Phượng; phát triển các vùng chăn nuôi lợn, bò sữa xa khu dân cư ở Trung Châu, Phương Đình… Đặt câu hỏi “Chúng ta vui mừng khi dồn điển đổi thửa rất thành công, nhưng bước tiếp theo là gì?”, Bí thư Thành ủy cho rằng, huyện cần chủ động định hướng, hướng dẫn, có cơ chế khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung giá trị cao. Những mô hình chuyên canh có giá trị cao như Hợp tác xã hoa lan ở Phương Đình là lợi thế mà huyện cần phát huy, nhân rộng. “Hôm nay đi thăm mô hình trồng hoa lan, tôi trực tiếp nghe rằng, hàng sản xuất ra bao nhiều bán hết đến đấy. Năm nay dự kiến sản xuất 200.000 cây hoa lan mà đã được đặt hàng hết rồi. Những mô hình như thế chúng ta phải tập trung hỗ trợ để nhân rộng ra, tiến tới xuất khẩu.”- đồng chí Hoàng Trung Hải nói.

Bí thư Thành ủy chỉ đạo, huyện cần tiếp tục phấn đấu giữ vững là đơn vị dẫn đầu toàn thành phố về xây dựng nông thôn mới; tập trung chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn. Huyện cần coi trọng chỉ đạo giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí “động”, liên quan đến chất lượng cuộc sống của nhân dân như: Thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa, môi trường, an ninh - trật tự. Huyện cần phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn, nhất là các doanh nghiệp làng nghề, chế biến, sử dụng nguyên liệu và thu hút nhiều lao động nông nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Người đứng đầu Đảng bộ thành phố gợi ý Đan Phượng cần coi trọng việc xây dựng “thương hiệu” an toàn thực phẩm, làm sao để thị trường nói đến Đan Phượng là nghĩ rằng sản phẩm sạch, an toàn. “Điều này phải ăn vào đầu của từ cán bộ đến nông dân, để làm gì cũng phải vì mục tiêu đó.”- đồng chí chỉ đạo.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải ghi nhận và chỉ đạo giải quyết cụ thể một số kiến nghị của huyện. Trong đó, đồng chí yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND Thành phố rà soát, thẩm định, trình HĐND thành phố phê duyệt theo quy định dự án nâng cấp tuyến giao thông tỉnh lộ 417 đoạn qua Đan Phượng (3,7km; tổng mức đầu tư dự kiến 139 tỷ đồng). Đáng chú ý, đề cập đến dự án nước mặt sông Hồng, Bí thư Thành ủy lưu ý, dù đây là dự án do tư nhân đầu tư, nhưng cơ quan quản lý của huyện và các sở, ngành không vì thế mà bỏ mặc, không quan tâm; mà phải thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để có thể khởi công vào tháng 11 tới, cũng như bảo đảm nhà máy hoạt động ổn định, lâu dài. Bí thư Thành ủy yêu cầu, cùng với các sở, ngành, Huyện ủy Đan Phượng phải tăng cường công tác phối hợp, nâng cao “tính hướng đích”, mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra là phải bám sát thực hiện cho bằng được.

*Trước cuộc làm việc, Bí thư Thành uỷ đã đến dâng hương tại Đài Tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, thăm Nhà Truyền thống của huyện. Bí thư Thành uỷ cùng đoàn cũng đã đi thăm quan Nhà máy xử lý rác thải và mô hình sản xuất hoa công nghệ cao tại xã Phương Đình.


Đan Phượng là huyện đầu tiên và duy nhất hiện nay của thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Báo cáo Bí thư Thành uỷ về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị 7 tháng đầu năm, Bí thư Huyện uỷ Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng cho biết, tổng giá trị sản xuất ước thực hiện trên 5.000 tỷ đồng, đạt 52,31% kế hoạch, tăng 8,63% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Huyện có vụ xuân được mùa, năng suất lúa đạt 65 tạ/ha; thực hiện chuyển đổi thêm được 142,5 ha đất nông nghiệp sang trồng hoa, rau, cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 138,3 tỷ đồng, đạt 81,6% dự toán thành phố giao, bằng 101% so với cùng kỳ. Nhận thức kết quả xây dựng nông thôn mới chỉ là bước đầu, Huyện uỷ Đan Phượng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “Về lãnh đạo phát triển nông nghiệp, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới huyện Đan Phượng giai đoạn 2016-2020”. Huyện phấn đấu giữ vững là đơn vị đi đầu trong xây dựng nông thôn mới của thành phố. Huyện cũng đã ban hành 7 chương trình, 2 kế hoạch và 2 nghị quyết chuyên đề khác cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII phù hợp với tình hình thực tiễn.

Quốc Bình