Hà Nội điều chỉnh mức thu học phí: Tăng nguồn lực, giảm lạm thu

Giáo dục - Ngày đăng : 07:51, 06/08/2016

(HNM) - Thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội sau khi kết thúc kỳ họp thứ hai, HĐND thành phố khóa XV vừa qua là việc thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí của giáo dục mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 của TP Hà Nội.


Thêm nguồn lực

Theo Nghị quyết đã được HĐND TP Hà Nội thông qua, năm học 2016-2017, mức thu học phí cao nhất là 80 nghìn đồng/học sinh/tháng áp dụng cho học sinh (HS) học tại các trường khu vực thành thị; 40 nghìn đồng/HS/tháng với vùng nông thôn và 10 nghìn đồng/HS/tháng ở miền núi, cao hơn mức hiện tại lần lượt là 20 nghìn - 10 nghìn đồng và 2 nghìn đồng.



Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, mức thu học phí trên của Hà Nội thấp hơn so với mức bình quân của các thành phố trực thuộc trung ương và gần thấp nhất so với 10 tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Đối với cấp THCS, TP Hồ Chí Minh có mức thu 100 nghìn đồng/HS/tháng; Bắc Ninh 90 nghìn đồng/HS/tháng, Hải Phòng 88 nghìn đồng/HS/tháng... Trong khi đó, theo kết quả khảo sát mức sống dân cư do Tổng cục Thống kê công bố, Hà Nội là địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao thứ ba của cả nước và đứng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng. Với mức thu nhập này, việc điều chỉnh tăng học phí làm tăng khả năng chi trả cho việc học là 0,37% so với thu nhập bình quân/người/tháng. Việc điều chỉnh mức học phí được đánh giá phù hợp với khả năng chi trả của người dân thành phố so với thu nhập, đồng thời tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Theo quy định, 40% trong tổng kinh phí thu được từ học phí tại các nhà trường sẽ dành cho việc cải cách tiền lương, 60% còn lại phục vụ tổ chức các hoạt động giáo dục. Trong trường hợp mức chi cho tiền lương của nhà trường vượt quá tỷ lệ 40% (do số lượng cán bộ, giáo viên cao, nhiều người có thâm niên...), thì phần vượt quá này sẽ được ngân sách nhà nước cấp bù, mà không ảnh hưởng đến phần kinh phí chi thường xuyên phục vụ hoạt động giáo dục. Trong bối cảnh thực hiện đổi mới giáo dục, yêu cầu tổ chức các hoạt động chuyên môn ngày càng nhiều, thì nguồn thu từ học phí tăng lên sẽ làm giảm áp lực cho các nhà trường.

Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho rằng: Nguồn thu học phí tăng thêm sẽ hỗ trợ các nhà trường có thêm điều kiện để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất... và người hưởng lợi chính là HS. Có thêm kinh phí, nhà trường sẽ yên tâm, tập trung hơn cho công tác chuyên môn, từ đó sẽ tác động tích cực tới chất lượng giáo dục. "Mức tăng như vậy là phù hợp, thậm chí, với người dân khu vực thành thị, khả năng đầu tư cho việc học tập của con cái còn lớn hơn nhiều" - anh Nguyễn Văn Nam, phụ huynh học sinh Trường THPT Phúc Lợi, quận Long Biên nhận định.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc điều chỉnh tăng học phí không làm ảnh hưởng đến các đối tượng HS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, HS diện chính sách, vì các đối tượng này được áp dụng chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Tổng kinh phí thực hiện chế độ miễn, giảm theo mức thu mới khoảng gần 14 tỷ đồng.

Giám sát chặt chẽ thu – chi

Với mức tăng học phí nêu trên, phần kinh phí tăng thêm so với mức thu đang thực hiện của các nhà trường trên toàn thành phố là hơn 112 tỷ đồng. Ông Nguyễn Viết Cẩn khẳng định: Để bảo đảm công khai, minh bạch và nghiêm túc trong công tác tài chính, Hà Nội sẽ có cơ chế giám sát chặt chẽ các nhà trường trong quá trình triển khai, bảo đảm thực hiện đúng tỷ lệ chi theo quy định, nhất là trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục phục vụ cho HS, tuyệt đối không được chi sai mục đích.

Nhằm ngăn chặn tình trạng thu nhiều, thu sai, nhất là vào dịp đầu năm học mới, Hà Nội đã ban hành quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của TP Hà Nội (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao). Quy định này xác định cụ thể 10 khoản thu được phép thu của phụ huynh HS, gồm: Tiền bán trú; học 2 buổi/ngày; học phẩm; nước uống; bảo hiểm y tế; dạy thêm, học thêm; quà tặng, tài trợ; đồng phục; khoản đóng góp tự nguyện. Các nhà trường không được tự đặt ra bất cứ khoản thu nào ngoài danh mục. Đây cũng là căn cứ để phụ huynh HS thực hiện, cùng tham gia giám sát việc thực thi của các nhà trường. Đơn vị nào tự ý đặt ra khoản thu ngoài danh mục sẽ bị xử lý nghiêm khắc, trong đó hiệu trưởng nhà trường là người chịu trách nhiệm cao nhất.

Trước băn khoăn của dư luận về việc tăng học phí liệu có giảm được lạm thu hay không, ông Nguyễn Viết Cẩn khẳng định: Việc tăng học phí đã tạo thuận lợi cho nhà trường trong việc tăng cường đầu tư, tổ chức các hoạt động giáo dục phục vụ học sinh, không có cớ gì để các nhà trường phải thu thêm từ cha mẹ HS. Sở GD-ĐT sẽ nghiêm khắc và quyết liệt trong việc xử lý các trường hợp sai phạm, làm gương cho các đơn vị khác, tránh tái phạm. Để ngăn chặn tình trạng lạm thu, nhất là việc lạm dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ HS, Sở GD-ĐT yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm túc Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về Điều lệ ban đại diện cha mẹ HS. Các phòng GD-ĐT, tùy theo điều kiện cụ thể có thể định hướng mức thu sao cho phù hợp với mức sống của người dân trên địa bàn. Kinh phí từ quỹ phụ huynh chỉ phục vụ trực tiếp cho hoạt động của HS, tuyệt đối không được sử dụng để chi mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học; nâng cấp, xây dựng hoặc khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường..." - ông Nguyễn Viết Cẩn nhấn mạnh.

Thống Nhất