Huyện Hoài Đức trở thành quận vào năm 2020: Sớm tháo gỡ những rào cản
Chính trị - Ngày đăng : 08:03, 06/08/2016
"Đầu tàu" cho khu vực đô thị phía Tây
Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Bùi Xuân Tùng, hiện nay 65% diện tích của huyện Hoài Đức đã nằm trong vùng phát triển đô thị thuộc ba quy hoạch phân khu đã được phê duyệt. Huyện cũng là một trong những địa phương phủ kín quy hoạch sớm nhất thành phố, chỉ sau quận Hà Đông.
Trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn huyện Hoài Đức sẽ có nhiều khu đô thị mới. Ảnh: Thái Hiền |
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Văn Tứ cũng cho biết, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hoài Đức nhìn chung rất khả quan. 6 tháng đầu năm, hầu hết các chỉ tiêu thành phố giao đều được thực hiện đạt kết quả cao. Kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất đạt 8.019 tỷ đồng, bằng 51,5% kế hoạch, tăng 11,6% so cùng kỳ. Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 345 tỷ đồng, bằng 98,9% dự toán thành phố giao. “Hoài Đức có tiềm năng lớn nhất và đang phát triển đô thị mạnh nhất trong 19 huyện của thành phố” - ông Nguyễn Văn Tứ nhận định.
Với lợi thế liền kề nội thành, có nhiều trục đường giao thông lớn đi qua, nhưng giao thông kết nối với các trục đường lớn, giao thông liên xã, liên huyện của Hoài Đức vẫn rất khó khăn. Đó cũng là lý do trong cuộc làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải mới đây, huyện đã nêu ra hàng loạt kiến nghị liên quan đến hạ tầng giao thông như: Đề nghị thành phố triển khai nhanh tuyến đường Vành đai 3,5 nối từ Đại lộ Thăng Long đến quốc lộ 32; mở rộng, nâng cấp mặt đê Tả Đáy kết hợp giao thông (dài 16,5km), tuyến đường liên khu vực 1 từ Đại lộ Thăng Long đi thị trấn Trạm Trôi (khoảng 7km); bố trí vốn cho huyện thực hiện cải tạo tuyến đường 422 đoạn từ đê Tả Đáy đi cầu Yên Sở; tiếp tục thực hiện các dự án đường kết nối huyện với quận Hà Đông, quận Nam Từ Liêm… Đặt ra mục tiêu “lên quận”, Đảng bộ huyện Hoài Đức trước hết là tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, khai thác tiềm năng, lợi thế. Đó là nhu cầu tất yếu phù hợp với xu thế đô thị hóa hiện nay.
Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho rằng: “Huyện Hoài Đức phát triển mạnh sẽ trở thành đầu kéo đô thị hóa cho cả khu vực phía Tây thành phố. Nên mục tiêu đưa Hoài Đức trở thành quận là rất cần thiết”.
Những vấn đề đặt ra
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, trên địa bàn Hoài Đức đang có 55 dự án khu đô thị với tổng diện tích 2.794ha, trong đó, 37 dự án với tổng diện tích 1.703ha đang chuẩn bị đầu tư, chưa được giao đất; 18 dự án được giao đất với tổng diện tích 1.091ha (9 dự án được triển khai bình thường, còn 3 dự án mới thực hiện bước đầu, 6 dự án đã dừng).
Theo lãnh đạo thành phố, tình trạng giữ đất như vậy làm lỡ cơ hội phát triển của địa phương phải được khắc phục sớm. Dự án nào vì thủ tục mà chậm, các sở, ngành phải chịu trách nhiệm tháo gỡ. Dự án nào mà chủ đầu tư không có năng lực thì phải được thu hồi. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đã đặt ra mốc thời gian là ngày 30-9-2016 để các sở, ngành liên quan và huyện Hoài Đức hoàn thành rà soát báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.
Để trở thành quận, Hoài Đức phải đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng. Nhưng hiện nay, huyện rất khó khăn về nguồn lực. Mặc dù từ đầu năm đến nay, huyện đã nỗ lực tổ chức đấu giá đất thu được trên 150 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần chỉ tiêu thành phố giao (cả năm có thể đạt 400-500 tỷ đồng), nhưng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu về vốn. Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Văn Tứ đề xuất thành phố cho phép Hoài Đức được hưởng 100% thay vì 30% nguồn vốn thu được nhờ đấu giá các khu đất có diện tích trên 5.000m2 để đầu tư xây dựng các dự án đường giao thông mà huyện kiến nghị. Tuy nhiên, Hoài Đức không chỉ cần kinh phí đầu tư cho hạ tầng giao thông. Muốn “lên quận”, huyện phải đầu tư đồng bộ cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Ngân sách không thể đáp ứng được tất cả các nhu cầu.
Trong buổi làm việc mới đây tại huyện Hoài Đức, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, huyện cần chủ động, linh hoạt, nhất là đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ để thu hút nguồn lực xã hội hóa, thay vì “thò tay vào túi ngân sách lấy tiền ra tiêu”… Cũng liên quan đến vấn đề hạ tầng, ngoài đầu tư mới, Hoài Đức cần rà soát, khắc phục yếu kém về kết nối hạ tầng - vấn đề đang “nóng” trên địa bàn.
Với 17/19 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, Hoài Đức sẽ sớm trở thành huyện nông thôn mới. Mặc dù có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị cao, nhưng trong số 3.000ha đất nông nghiệp của huyện vẫn còn phần lớn diện tích đang trồng lúa. Muốn “lên quận”, Hoài Đức phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, huyện cũng phải giải quyết tốt vấn đề dân sinh, trước hết là giải quyết dứt điểm việc cấp đất dịch vụ cho dân, coi đây là nhiệm vụ cấp bách.
Khó khăn là vậy, nhưng không có nghĩa mục tiêu trở thành quận không khả thi. Điều quan trọng nhất hiện nay, cũng là bước đầu tiên phải làm như yêu cầu của đồng chí Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Hoài Đức cần khẩn trương rà soát toàn diện theo các tiêu chí đô thị được quy định, làm rõ để đáp ứng được các tiêu chí đó huyện phải làm gì, cần cơ chế đặc thù gì, trình thành phố trong thời gian sớm nhất.