Không có chuyện bán bún bò Huế phải xin phép
Kinh tế - Ngày đăng : 08:08, 07/08/2016
Đại sứ Mỹ tại VN Ted Osius (giữa) tham gia học nấu món bún bò Huế. |
Trả lời phóng viên, ông Phan Ngọc Thọ, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, khẳng định việc UBND tỉnh đứng ra đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Bún bò Huế là điều cần thiết và là trách nhiệm của địa phương.
Bún bò Huế được nêu trên là một nhãn hiệu do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thiết kế và đăng ký bảo hộ, thể hiện bằng logo riêng. Nhãn hiệu chứng nhận Bún bò Huế đang được UBND tỉnh đăng ký bảo hộ với Cục Sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật. Đây là nhãn hiệu do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế làm chủ sở hữu và giao cho Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên-Huế quản lý.
“Món bún bò Huế đã phổ biến, tuy nhiên mỗi nơi có một hương vị khác nhau. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Bún bò Huế nhằm mục đích xây dựng thành một sản phẩm đặc trưng của Huế, có uy tín trên thị trường, được bảo chứng về chất lượng, hương vị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, những tổ chức và cá nhân nào muốn sử dụng nhãn hiệu thì phải đăng ký và bảo đảm các tiêu chí theo quy định về nguyên liệu, về cách thức chế biến, đảm bảo an toàn thực phẩm... Sau khi được cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu Bún bò Huế, các tổ chức, cá nhân kinh doanh bún bò Huế được gắn nhãn hiệu chứng nhận trên biển hiệu, phương tiện kinh doanh, thư từ giao dịch, phương tiện quảng cáo do mình sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận. Còn ai không muốn dùng nhãn hiệu đó thì vẫn kinh doanh bình thường và tự chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm, về chất lượng món ăn theo quy định của pháp luật. Hoàn toàn không có chuyện muốn bán bún bò thì phải đến Huế xin giấy phép”, ông Thọ giải thích.
“UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đứng ra đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Bún bò Huế với Cục Sở hữu trí tuệ, nếu chúng tôi làm không đúng đối tượng thì Cục sẽ không cấp”, ông Thọ nói. Ông Thọ cho biết thêm, không chỉ nhãn hiệu Bún bò Huế, sắp tới UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế còn đăng ký bảo hộ thêm nhiều nhãn hiệu tập thể khác cho các sản phẩm truyền thống của Huế như: Dầu tràm Huế, Thanh trà Huế, Mè xửng...
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên-Huế, cho biết: “Chỉ những ai muốn sử dụng logo của nhãn hiệu Bún bò Huế mới phải đăng ký và hoạt động theo tiêu chí của quy chế ban hành. Còn những người bán bún, kinh doanh bún bò Huế nếu không có nhu cầu sử dụng logo nhãn hiệu của UBND tỉnh thì vẫn hoạt động bình thường không ảnh hưởng gì cả”.
Chỉ là bảo hộ thiết kế logo
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ, xác nhận: “Hiện tại tỉnh Thừa Thiên-Huế mới nộp hồ sơ xin cấp bảo hộ sở hữu trí tuệ cho logo Bún bò Huế thôi. Anh em đang giải quyết hồ sơ. Mà trong luật Sở hữu trí tuệ có những trường hợp chỉ là bảo hộ thiết kế logo. Ví dụ bảo hộ thiết kế logo La Vie chứ không phải bảo hộ chữ La Vie”.
Logo Bún bò Huế |
Cùng quan điểm, luật sư Trần Thị Tám nói: “Các đơn vị khác cứ yên tâm sử dụng chữ Bún bò Huế. Vì chỉ khi nào sử dụng logo Bún bò Huế mà UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đăng ký mới phải xin phép. Đây là nhãn hiệu chứng nhận, không phải chỉ dẫn địa lý, vì vậy chỉ khi nào sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đăng ký thì mới xâm phạm. Bản thân chữ Bún bò Huế không được bảo hộ độc lập với tư cách là nhãn hiệu vì mang tính mô tả”.
Nói thêm về vấn đề này, luật sư Lê Quang Vinh, Công ty luật Bross, và cộng sự phân tích: “Chỉ dẫn địa lý thường chỉ được cấp cho các sản vật địa phương như nhãn Hưng Yên, vải Thanh Hà, quế hồi Lạng Sơn... thường gắn với thổ nhưỡng. Còn cái này nó là di động, bún bò Huế, bún chả Hàng Mành thì không phải chỉ dẫn địa lý. Hơn nữa, nếu quy định như tỉnh Thừa Thiên-Huế thì cũng không có công thức cụ thể cho nước dùng bún bò Huế. Chẳng hạn, phở Lý Quốc Sư thì bán kèm theo công thức, mọi hàng phở Lý Quốc Sư chuyển giao đều có một vị như nhau”.