“Nghề” bí thư chi bộ: Người đứng đầu đặc biệt (bài đầu)

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:58, 07/08/2016

LTS: Gọi là “nghề” để thấy rằng, làm bí thư chi bộ đòi hỏi trình độ, những kỹ năng nhất định và cần được đào tạo, bồi dưỡng bài bản như bao nghề nghiệp cần chuyên môn sâu khác...

Bí thư cấp ủy nói chung, bí thư chi bộ cơ sở nói riêng là người đứng đầu cấp ủy, giữ vai trò chủ chốt, là "linh hồn" của mỗi chi bộ đảng. Vì thế, nếu không có tinh thần trách nhiệm, không đủ năng lực, nhiệt huyết thì người đảm nhận vai trò "đầu tàu" khó có thể hoàn thành trọng trách. Thực tế cho thấy, để tất cả các chi bộ thật sự là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở, cần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy và bí thư chi bộ. Cũng chính vì lẽ đó, có thể gọi bí thư chi bộ là người đứng đầu đặc biệt.

21 năm làm bí thư chi bộ

Năm 1995, sau khi xuất ngũ, ông Nguyễn Văn Na (thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ thôn. Nhiệm vụ này gắn bó với ông suốt từ lúc ấy đến bây giờ. Năm nay, ở vào tuổi "cổ lai hy" (77 tuổi), ông đã có thâm niên 21 năm làm bí thư chi bộ. Ông Na đã cố gắng hết sức mình cùng tập thể cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên và nhân dân trong thôn thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị. Những việc lớn trong thôn thời gian qua, nhất là xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa, đều diễn ra suôn sẻ. Nhờ sự đóng góp của những cán bộ cần mẫn như ông Na, thôn Tranh Khúc ngày càng thay da đổi thịt.

Ở tuổi 72, ông Bùi Thanh Liêm, người từng có hơn 30 năm vào sinh ra tử trên khắp các chiến trường, vẫn gánh vác trọng trách bí thư chi bộ khi trở về đời thường. Với kỹ năng được rèn luyện trong quân đội, ông Liêm từng bước củng cố mối đoàn kết, xây dựng chương trình công tác, tổ chức sinh hoạt chi bộ nền nếp, quy củ. Chỉ một, hai năm sau khi giữ vị trí bí thư chi bộ, ông Bùi Thanh Liêm đã củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng tại cơ sở. “Mỗi tháng sinh hoạt, chi bộ đều ra nghị quyết, với nội dung cụ thể, thiết thực, liên quan trực tiếp đến những vấn đề dân sinh của tổ dân phố. Vì thế, chi bộ đã huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng thực hiện” - ông Bùi Thanh Liêm chia sẻ.

Là người gắn bó với các bí thư chi bộ, Trưởng phòng Quận, huyện, thị (Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội) Nguyễn Văn Thân cho biết, trường hợp như các bí thư chi bộ Nguyễn Văn Na, Bùi Thanh Liêm không phải là hiếm. “Tôi từng gặp một bác khi mới về hưu được bầu làm bí thư chi bộ. 21 năm sau gặp lại, bác ấy vẫn làm bí thư chi bộ. Hiện nay, bí thư chi bộ ở địa bàn dân cư phần lớn từ 50 đến 60 tuổi trở lên” - Trưởng phòng Nguyễn Văn Thân nói, đồng thời cho rằng, ở độ tuổi này dù hạn chế về sức khỏe, nhưng các bí thư chi bộ lại giàu kinh nghiệm và uy tín mà không phải cán bộ trẻ nào cũng có được.

Vai trò không thể thiếu

Cũng làm “nghề” bí thư chi bộ, nhưng ở các loại hình khác, không phải địa bàn dân cư thì tuổi đời "người đứng đầu" trẻ hơn. Ở Công ty LS Vina (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh) có chi bộ đảng hoạt động rất hiệu quả. Tất cả là nhờ ban chi ủy dưới sự chỉ đạo của Bí thư chi bộ Vũ Xuân Trường đã luôn biết phát huy thế mạnh của 15 đảng viên, qua đó đóng góp vào sự phát triển ổn định của doanh nghiệp.

Được “sinh ra” gắn với Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27-2-2012, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, hơn 700 bí thư chi bộ trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước cũng đang thầm lặng đóng góp cho một sứ mệnh đặc biệt là tạo mối dây liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với thành phần kinh tế ngoài khu vực nhà nước, khu vực không chỉ có lực lượng công nhân đông đảo mà còn đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế của đất nước. Thực tiễn cho thấy, chính sự ra đời của tổ chức Đảng đã giúp doanh nghiệp vững vàng hơn trước khó khăn, thách thức. Tất cả chỉ có thể được thể hiện bằng hai từ “trách nhiệm” của những đảng viên, nhất là bí thư chi bộ.

Theo Quyết định số 31/2013/ QĐ-UBND, ngày 6-8-2013, của UBND TP Hà Nội, bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố được hưởng phụ cấp 0,6-1,0 mức lương tối thiểu tùy phân loại thôn, tổ dân phố. Phụ cấp không cao, nhưng việc gì cũng đến tay người đứng đầu cấp ủy. Vất vả, trách nhiệm là thế, nhưng bao năm nay, những bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố như ông Nguyễn Văn Na, Bùi Thanh Liêm… vẫn luôn nỗ lực, làm tròn nhiệm vụ.

Đóng góp của đội ngũ bí thư chi bộ đối với việc triển khai các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội là rất đáng trân trọng. Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, khi đến kiểm tra công tác bầu cử tại quận Đống Đa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã gửi lời cảm ơn, đánh giá cao những đóng góp của cán bộ cơ sở, trong đó có những bí thư chi bộ. Từ một góc nhìn cụ thể hơn, Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) Nguyễn Đăng Hoan nhận định: “Chúng tôi có 15 bí thư chi bộ, trong đó có 9 bí thư chi bộ thôn. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các bí thư chi bộ thực sự là “trung tâm”, là “linh hồn” tập hợp được sức mạnh của đảng viên và nhân dân để xã chúng tôi về đích sớm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt". Chi bộ là nền móng, tế bào, đơn vị chiến đấu cơ bản của Đảng, là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở. Bí thư chi bộ là người đứng đầu của cấp ủy, cán bộ chủ chốt giữ vai trò hạt nhân đoàn kết của chi bộ. Cho nên, để phát huy vai trò của chi bộ, để tất cả các chi bộ thật sự là hạt nhân lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, cần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy và bí thư chi bộ. Bí thư chi bộ là người đứng đầu đặc biệt vì lẽ đó.

(Còn nữa)

Võ Lâm