Bảo vệ môi trường bằng trách nhiệm và tình yêu Hà Nội
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:17, 08/08/2016
Thế nhưng, để Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” như nội dung được nêu trong Chỉ thị 08-CT/TU, ngày 26-5-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô”, rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm.
Cũng như nhiều thành phố lớn trên thế giới, đô thị hóa đã đẩy nhanh gia tăng áp lực về dân số, quá tải về giao thông, bất cập về xây dựng và công nghiệp… cùng một loạt hệ lụy khác. Đây cũng là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, tiếng ồn... Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại Hà Nội ngày càng nghiêm trọng hơn (cả nước mặt và nước ngầm). Không chỉ ở nội thành, người dân ngoại thành cũng đối mặt với nạn xả rác bừa bãi, thậm chí có nơi ao hồ đã bị biến thành nơi chứa rác. Chưa kể, Hà Nội có hàng nghìn doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất không thực hiện đúng quy trình xử lý, xả chất thải công nghiệp ra môi trường...
Thời gian qua, các cấp chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như cải thiện cơ chế chính sách, song thực tế việc triển khai các dự án xử lý ô nhiễm môi trường còn chậm, việc thu gom, xử lý rác thải công nghiệp, y tế còn nhiều bất cập, trong khi ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người dân chưa cao...
Một nguyên nhân là các vấn đề môi trường chưa được đề cập và quan tâm đúng mức trong quy hoạch xây dựng đô thị. Ngoài quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng, các vấn đề cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị như hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý rác, xử lý nước thải, giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn,... chưa được đầu tư đúng mức. Dù việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các đồ án quy hoạch đô thị đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, nhưng công tác triển khai vẫn còn chậm, chưa hiệu quả.
Thiếu các biện pháp hữu hiệu trong chỉ đạo và quản lý quy hoạch đô thị cũng là một nguyên nhân tạo ra sức ép ô nhiễm môi trường. Tình trạng phá vỡ quy hoạch đã trở thành vấn đề bức xúc. Nếu không có những biện pháp quản lý cấp bách và hiệu quả, cái giá phải trả cho môi trường sẽ là vô cùng lớn. Do vậy, công tác quản lý quy hoạch phải được xem là một yếu tố then chốt trong xây dựng đô thị phát triển bền vững và hòa hợp với môi trường.
Mặt khác, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết hợp với tăng cường hiện đại hóa các phương tiện giao thông công cộng là biện pháp hữu hiệu để giảm lượng khí thải do giao thông gây ra, từ đó giảm mạnh mức độ nhiễm không khí. Tuy nhiên, để bảo đảm có một môi trường giao thông thân thiện, cần đồng bộ giữa phát triển giao thông với hệ thống thoát nước, cây xanh và giảm thiểu bê tông hóa trong quá trình phát triển. Và vì vậy, cùng với việc khai thác tối đa và hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, thành phố cần tập trung các nguồn lực để đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các công trình giao thông đồng bộ, hiện đại, liên kết hợp lý các phương thức vận tải giữa đô thị và nông thôn, gắn kết bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh phát triển đô thị gây ra nhiều tác động đến môi trường, Chỉ thị số 08-CT/TU có ý nghĩa quan trọng, giúp Hà Nội hiện thực hóa những mục tiêu đề ra trong “Năm trật tự và văn minh đô thị 2016”, từ đó tiếp tục những giải pháp đồng bộ quyết tâm cải thiện căn bản vấn đề môi trường, xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại, “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”. Phát triển đô thị phải gắn với bảo vệ môi trường - bảo vệ sự sống của chúng ta - là mệnh lệnh phải được thực thi.
Để Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, để mỗi hàng cây, con phố, hồ nước… đều tạo nên vẻ đẹp hài hòa cùng thiên nhiên, thành phố còn nhiều việc phải làm và trước hết là mỗi người với trách nhiệm công dân hãy bảo vệ môi trường bằng tình yêu Hà Nội và bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày.