Cơ hội và thách thức
Thế giới - Ngày đăng : 06:27, 08/08/2016
Lãnh đạo 10 quốc gia thành viên ASEAN ký Tuyên bố Kuala Lumpur thành lập Cộng đồng ASEAN ngày 22-11-2015. |
Một dấu mốc lịch sử quan trọng đối với ASEAN là việc Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập vào ngày 31-12-2015. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, việc trở thành một Cộng đồng là nền tảng để các nước thành viên tăng cường tình đoàn kết và hội nhập sâu rộng. Với 3 trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, Cộng đồng ASEAN sẽ gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội, có quan hệ rộng mở với bên ngoài, hoạt động theo luật pháp và lấy người dân làm trung tâm. Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN đã tạo nên sức mạnh tập thể, thể hiện sự quyết tâm và tinh thần sẻ chia cùng nhau xây dựng tương lai cũng như xử lý các thách thức mà khu vực đang phải đối mặt.
Trong lĩnh vực kinh tế, việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đặt ra nhiều cơ hội đối với sự phát triển của các quốc gia thành viên. Một thị trường thông suốt, xóa bỏ hàng rào thuế quan, hạn chế hàng rào phi thuế quan, tạo điều kiện xuất khẩu, lưu thông hàng hóa thuận lợi, thúc đẩy đầu tư, đem lại nhiều việc làm... đã và đang mang lại những động lực và thời cơ mới cho các quốc gia ASEAN. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, dự kiến đến năm 2025, việc thành lập Cộng đồng ASEAN sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 14-15 triệu lao động. Cùng với đó, đầu tư từ các nước bên ngoài vào khu vực, cũng như đầu tư nội khối sẽ thông suốt.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, ASEAN cũng đứng trước những cơ hội để hướng về một nền văn hóa chung, nhưng vẫn bảo đảm sự đa dạng vốn có. Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN sẽ giúp nâng cao trách nhiệm xã hội, thu hút du lịch, bảo đảm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu phát triển xã hội và bảo vệ môi trường thông qua tăng cường hợp tác và giao lưu văn hóa.
Tuy nhiên, trong một thế giới đang có những thay đổi mạnh mẽ, ASEAN cũng đứng trước những thách thức không nhỏ. Theo các nhà phân tích quốc tế, sau khi trở thành một thực thể pháp lý, Cộng đồng ASEAN còn phải vượt qua một quãng đường dài để trở thành một cộng đồng thực sự hoàn thiện và hiệu quả. Trở ngại vẫn còn ở chỗ, Hiệp hội là một tập hợp của nhiều dân tộc có tiếng nói, tín ngưỡng và văn hóa khác nhau, có trình độ phát triển kinh tế khác nhau và chế độ chính trị khác nhau. Đơn cử, sự chênh lệch về thu nhập giữa các quốc gia sẽ tạo ra dòng di chuyển lao động gây mất cân bằng về việc làm. Hay sự khác biệt trong hệ thống chính trị giữa các nước ASEAN khiến khả năng hợp tác giữa các thành viên trở nên khó khăn hơn, thậm chí có thể gây ra những xung đột giữa các nước. Nếu không có các biện pháp đối phó, “ASEAN vẫn chỉ là tổ chức của các chính phủ đơn lẻ, chứ không thể tiến tới thành lập một cộng đồng chung”, như nhận định của Đại sứ Singapore tại Việt Nam Ng Teck Hean.
Một trong những thách thức lớn nhất mà Cộng đồng ASEAN phải đối mặt là các vấn đề an ninh, điều có thể dễ dàng phá vỡ nỗ lực đoàn kết và nền hòa bình mà ASEAN thiết lập, hướng tới. Vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay là sự "nóng lên" ở Biển Đông, đòi hỏi vai trò tích cực, chủ động của ASEAN với hòa bình và an ninh khu vực. Tội phạm và khủng bố xuyên biên giới cũng đang là vấn đề nghiêm trọng. Chuyên gia Thanawat Pimoljinda thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế (Đại học Ramkhamhaeng, Thái Lan) nhận định: Việc thành lập Cộng đồng ASEAN giúp người dân dễ dàng di chuyển tới các quốc gia trong khu vực, nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho những tổ chức tội phạm, khủng bố bành trướng thế lực, thu nạp thành viên. Những đe dọa an ninh vừa qua tại Singapore, Indonesia, Malaysia là minh chứng cho thấy thực tế này.
Từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã thể hiện vai trò là thành viên có trách nhiệm, góp phần vào việc xây dựng và tăng cường sức mạnh của Hiệp hội. Khi hội nhập vào ASEAN được xác định là một trong những mục tiêu trọng tâm, Việt Nam chia sẻ những thành công của Hiệp hội trong chặng đường phát triển vừa qua và tiếp tục cùng ASEAN vượt qua khó khăn vì hòa bình, sự thịnh vượng cho nhân dân Việt Nam và cả khu vực.
Đông Nam Á có nguy cơ trở thành cứ địa mới của IS Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi đã đưa ra cảnh báo này vào ngày 7-8. The Star dẫn lời ông Hamidi cho biết, căn cứ theo các thông tin tình báo mới nhận được, một số lượng lớn trong số 300 tay chân của Abu Bakar Bashir - cựu lãnh đạo tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah (JI) và là chủ mưu loạt vụ đánh bom đẫm máu ở Bali năm 2002 - vừa được ra tù đã đến Batam, đảo Riau của Indonesia để âm mưu xây dựng căn cứ mới cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại đây. JI là nhóm khủng bố Hồi giáo xuyên quốc gia ở Đông Nam Á, từng có liên hệ với Tổ chức khủng bố Al-Qaeda và Taliban. Tổ chức này được coi là đã sụp đổ sau chiến dịch trấn áp mạnh mẽ của Chính phủ Indonesia. Hiện nhiều thông tin cho thấy nhóm này đang được gây dựng trở lại và có liên hệ với IS. Tổ chức này cũng đánh dấu sự xuất hiện của chúng tại Đông Nam Á bằng cuộc tấn công hồi tháng 1 tại Jakarta khiến 8 người thiệt mạng. |