Bài 1: Đầu tư tràn lan… hiệu quả nhỏ giọt

Kinh tế - Ngày đăng : 06:56, 08/08/2016

(HNM) - Theo Bộ NN&PTNT, hằng năm, tỉnh, thành phố nào cũng chi vài chục tỷ đồng cho việc sản xuất, khảo nghiệm các loại giống cây trồng, nhưng số giống cây trồng được đưa vào sản xuất đại trà quá ít, vẫn phải nhập khẩu 60-70%. Câu hỏi đặt ra là khoản đầu tư lớn cho sản xuất, khảo nghiệm liệu có lãng phí?


Bài 1: Đầu tư tràn lan… hiệu quả nhỏ giọt

Thống kê của Ngành Nông nghiệp cho thấy, trung bình mỗi tỉnh, thành phố có một trung tâm khảo nghiệm, thực nghiệm giống cây trồng, ngoài ra mọi tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia khảo nghiệm giống nếu thực hiện đúng quy trình. Đây là chủ trương nhằm mục đích xã hội hóa công tác khảo nghiệm, sản xuất giống của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy còn nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý sản xuất giống. Vì vậy, hoạt động sản xuất giống cây trồng hiện nay đang rơi vào tình trạng tràn lan, mạnh ai nấy làm và hiệu quả thấp.

Sản xuất cây rau giống tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Ảnh: Bá Hoạt


Sản xuất nhiều… vẫn thiếu giống

Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT): Thực hiện công tác quản lý và phát triển cây trồng, hằng năm, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch khảo nghiệm, thực nghiệm các loại giống cây trồng. Chỉ tính riêng giống lúa, Ngành Nông nghiệp mỗi địa phương khảo nghiệm từ 20 đến 300 giống lúa các loại. Đối với các giống rau và cây trồng khác, hầu hết các trung tâm, công ty sản xuất giống đều tiến hành nghiên cứu, chọn tạo và thực nghiệm, khảo nghiệm hằng năm. “Trung bình mỗi năm, có hàng trăm giống cây được khảo nghiệm, nhưng tình trạng thiếu giống vẫn xảy ra. Vì vậy, mỗi năm lĩnh vực trồng trọt cần khoảng 1 triệu tấn hạt giống các loại nhưng đến 60-70% số giống phải nhập khẩu” - ông Trung cho biết.

Ông Nguyễn Tiên Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia (Cục Trồng trọt) cho rằng: Công tác sản xuất giống cây trồng của nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất đại trà. Những giống tốt, có năng suất, chất lượng cao vẫn còn thiếu. Ngoài lúa, một số loại rau chủ lực như cà chua, dưa chuột, dưa hấu, đậu Hà Lan vẫn phải nhập khẩu. Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận ở một số cây trồng chủ lực khác như cây ăn quả, mía, dứa, chè mới chỉ đạt gần 50%; lạc, đậu tương, cà phê 60%... Ngay cả giống cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc, chế biến thức ăn chăn nuôi cũng thiếu. Cả nước có hơn 35.600ha diện tích đất cỏ tự nhiên, năng suất mới đạt 20 tấn/ha/năm và 200.000ha diện tích trồng cỏ thâm canh, nhưng mới đáp ứng 10% nhu cầu thức ăn thô xanh cho gia súc. Những giống cỏ chất lượng cao hầu hết phải nhập từ nước ngoài…

Điển hình nhất là công tác khảo nghiệm các giống lúa. Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết: Mỗi vụ, Trung tâm tiến hành khảo nghiệm từ 20 đến 30 giống lúa. Công tác khảo nghiệm giống được thực hiện theo đúng quy định, song số giống được đưa vào sản xuất đại trà rất ít. “Các giống mới được đưa vào khảo nghiệm có độ ổn định, thích nghi kém. Mặc dù được khảo nghiệm đối chứng từ 3 vụ trở lên, nhưng khi đưa vào sản xuất chỉ được vài năm là những đặc tính nổi trội của giống lại giảm. Hơn nữa, thổ nhưỡng và điều kiện mỗi địa phương khác nhau trong khi công tác khảo nghiệm được tiến hành trên nền tảng khí hậu chung của vùng” - bà Hòa cho biết.

Đánh giá về công tác sản xuất giống, ông Ma Quang Trung cho rằng, công nghệ sản xuất giống của nước ta còn hạn chế, chất lượng của một số lô giống chưa phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Sản xuất giống vẫn chỉ nghiêng về nghiên cứu, trình diễn… mà chưa chú trọng nhân giống, đưa vào sản xuất đại trà nên sản lượng giống sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu.

Mạnh ai nấy làm

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: Công tác sản xuất giống đang rơi vào tình trạng “tràn lan, mạnh ai nấy làm” bởi có quá nhiều công ty, đơn vị, cá nhân tham gia sản xuất giống. Tuy nhiên, việc sản xuất mới chỉ dừng ở phong trào, hiệu quả đưa vào sản xuất chưa cao. Đồng quan điểm đó, GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, việc sản xuất giống cây trồng hiện nay bộc lộ khá nhiều bất cập, nhất là trong khâu khảo nghiệm giống. Công tác khảo nghiệm giống là để theo dõi quá trình sinh trưởng và đánh giá tiềm năng năng suất, chất lượng cây trồng, làm tiền đề cho việc mở rộng diện tích. Từ đó, thay thế những giống đã sản xuất lâu năm, năng suất thấp, khả năng chống chịu với thời tiết và sâu bệnh kém. “Tuy nhiên, hiện nay nhiều tỉnh, thành phố xảy ra tình trạng giống chưa được khảo nghiệm, đánh giá kỹ đã đưa về trồng, khiến nhiều người lo ngại. Cụ thể như cây cao su tại các tỉnh Tây Bắc, dù chưa được khảo nghiệm, đánh giá kỹ đặc điểm sinh học, nông học đã đưa về trồng ồ ạt nên hiệu quả thấp” - ông Long nói.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho biết: Theo quy định, tất cả những giống lúa chưa được công nhận thì khi đưa vào tổ chức khảo nghiệm trên địa bàn, các doanh nghiệp phải báo cáo với Sở NN&PTNT về địa điểm, quy mô, thời gian, đồng thời ký hợp đồng với cơ sở khảo nghiệm sản xuất thử trước khi tiến hành. Nếu mất mùa hoặc bị thiệt hại mà nguyên nhân do giống thì đơn vị sản xuất giống phải đền bù cho nông dân. Đối với những giống được công nhận là giống lúa quốc gia nhưng chưa sản xuất trên địa bàn thành phố, thì phải xây dựng mô hình để sản xuất thử. Sau khi có báo cáo đánh giá, Sở NN&PTNT mới đưa vào cơ cấu giống lúa cho các địa phương tham khảo, lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều đơn vị sản xuất giống bỏ qua cơ quan quản lý, tự ý khảo nghiệm thông qua các HTX, hộ nông dân nên mạnh ai nấy làm. Ông Ngọc cho biết: “Từng có doanh nghiệp tự đưa giống vào khảo nghiệm mà không thông qua Ngành Nông nghiệp, khi năng suất thấp do chất lượng giống, ngành không thể yêu cầu doanh nghiệp đền bù năng suất cho người dân. Bên cạnh đó, một số giống không được theo dõi chặt chẽ để có đánh giá chính xác nên khi đưa vào sản xuất trên diện rộng, việc hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật cũng như các đặc tính cụ thể thiếu chính xác, gặp thời tiết không phù hợp hoặc gieo cấy ở những vùng dễ nhiễm sâu bệnh, gây mất mùa như giống lúa BC15 tại một số huyện của Hà Nội thời gian qua...”.

(Còn nữa)

Đỗ Minh