Hoa quả Trung Quốc đội lốt hàng Việt: Tiểu thương nói có, quản lý bảo không
Kinh tế - Ngày đăng : 08:45, 08/08/2016
Nhiều trái cây Trung Quốc được bày bán tràn lan tại các sạp ở chợ Hàng Da (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Mai. |
Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt
Những ngày đầu tháng 8, trên đường Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội), nhiều người bán xe thồ với đủ các loại hoa quả như: đào, mận, thanh long, nho... với giá rẻ bất ngờ. Cụ thể: Đào: 40.000 đồng/kg, mận xanh: 30.000 đồng/kg, nho: 20.000 đồng/kg. Những người bán hàng quảng cáo các loại quả trên đều ở Việt Nam như: đào Sa Pa, nho Ninh Thuận… nhưng thực tế đây đều là hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Tại chợ Long Biên (Hà Nội), vốn được mệnh danh “thủ phủ” hoa quả Trung Quốc, la liệt các loại quả như: nho, táo, lê tính giá theo thùng, khoảng 150.000 đồng/thùng.
Trong “vai” tìm hàng nhập về mở cửa hàng bán hoa quả, phóng viên gặng hỏi, được tiểu thương Nguyễn Nguyệt chỉ dẫn: “Em cứ nhập hàng cao cấp như cherry và kiwi về bán, đóng hộp đẹp và bảo hàng nhập khẩu thì không người tiêu dùng nào nhận ra đâu. Chỉ có người trong nghề mới biết đâu là hàng Tàu, đâu là hàng nhập khẩu châu Âu. Người buôn tại các chợ chính ở Hà Nội như: chợ Hôm, Hàng Da toàn ra đây nhập nên em yên tâm”.
Chỉ cách chợ đầu mối Long Biên chưa đầy 3km, những sạp hoa quả xung quanh chợ Hàng Da (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày bán cherry đỏ với giá 550.000 đồng/kg, Kiwi: 350.000 đồng/kg. Những chiếc thùng xốp nhãn Trung Quốc vứt đầy trong sạp nhưng chủ sạp hàng vẫn tuyên bố hoa quả nhập khẩu từ… Canada. Như vậy, với giá nhập từ đầu mối, tiểu thương tại đây lãi khủng hơn 400.000 đồng/kg cherry.
Ai quản nguồn gốc?
Trao đổi với phóng viên về hiện tượng này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) lại cho rằng: hiện các loại trái cây Trung Quốc vẫn bình thường, không có gì đột biến, thậm chí số lượng có giảm đi hàng năm.
Trong khi đó, hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu qua thị trường này tăng lên. Với việc hàng Trung Quốc đội lốt thành hàng Việt Nam, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Thư ký Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, điều này cho thấy các chủ quầy hàng là vi phạm pháp luật, đánh lừa người tiêu dùng.
“Mặc dù trước đó báo chí đã đưa nhiều thông tin hoa quả Trung Quốc tẩm nhiều chất bảo quản nên vỏ đẹp mà ruột hỏng. Tuy nhiên, hiện tại chưa có căn cứ chứng minh hoa quả Trung Quốc có ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi đó, giá hoa quả Trung Quốc lại rất rẻ, phù hợp với tiêu dùng bình dân, đó là cái khó”, ông Hùng nói.
Quản lý thị trường cần vào cuộc
Trao đổi với phóng viên chiều 5/8, một đại diện Bộ Công Thương cho biết, việc nhiều loại hoa quả xuất xứ Trung Quốc, đang được bày bán tại Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác trên cả nước, nhưng được gắn mác hoa quả xuất xứ trong nước là thực tế cần ghi nhận.
“Trước thông tin nhiều loại hoa quả Trung Quốc được báo chí vạch mặt việc đội lốt hàng Việt đang được bày bán tràn ngập trên thị trường như: Nho xanh Ninh Thuận (thực tế đã hết mùa nho ở Ninh Thuận từ gần 3 tháng nay); Mận tím, mận xanh (mận Việt Nam chỉ có vào tháng 5-6); dưa lưới Trung Quốc giả danh dưa lưới Tiền Giang hay như giả danh đào Tây Bắc…các cơ quan quản lý cần vào cuộc kiểm tra, kiểm soát công tác quản lý thị trường”, ông này đề nghị. Về phía Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường cần vào cuộc kiểm tra, xử lý các cửa hàng bán hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hoa quả. “Các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để kiểm tra nguồn gốc, bảo vệ cho hoa quả trong nước”, vị này nói.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp Bộ NN&PTNT tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để có thể xuất khẩu chính thức một số loại trái cây vào các thị trường như Trung Quốc (bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt, roi), Nhật Bản (thanh long ruột đỏ, vải thiều), Hàn Quốc (vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm), Úc (xoài, thanh long) và Mỹ (xoài, vú sữa).
Việt Nam chi hơn 80,7 triệu USD nhập rau quả từ Trung Quốc Theo số liệu của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, tháng 6/2016, cả nước nhập khẩu 351,2 triệu USD hàng rau quả. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả đạt trên 630 triệu USD. Thống kê cũng cho thấy, Việt Nam đang nhập khẩu hàng rau quả chủ yếu từ các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Úc… trong đó chủ yếu từ Thái Lan, chiếm 40,8% tổng kim ngạch, tăng 81,96%; Trung Quốc đứng thứ hai về nhập khẩu rau quả vào Việt Nam với kim ngạch đạt 80,7 triệu USD, tăng 30,95%. |