Cần giải pháp mạnh thu các khoản nợ thuế
Kinh tế - Ngày đăng : 06:45, 09/08/2016
Người dân nộp thuế tại Cục Thuế Hà Nội.Ảnh: Viết Thành |
Hơn 67.000 đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh
Làm việc với Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế kiêm Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Thế Mạnh cho biết, tính đến ngày 31-5-2016, nợ thuế liên quan đến đất đai trên địa bàn có giảm 36%, nhưng các khoản nợ thuế liên quan đến đất vẫn còn hơn 19.000 tỷ đồng, chiếm 13% dự toán thu ngân sách năm 2016. Nguyên nhân do các doanh nghiệp khó khăn về sản xuất kinh doanh, không có nguồn tài chính nộp nợ thuế; nhiều doanh nghiệp bỏ trốn, giải thể. Cục Thuế cho biết, chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2016, Hà Nội có 3.200 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, 250 doanh nghiệp chờ giải thể. Lũy kế đến ngày 30-4-2016, có hơn 67.000 đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh, trong đó hơn 36.000 đơn vị còn nợ thuế, hơn 9.000 đơn vị chờ giải thể còn nợ thuế.
Thực hiện kết luận chất vấn của Chủ tọa kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố khóa XIV về nợ đọng thuế, phí và lệ phí, ngoài việc thành lập ban chỉ đạo đôn đốc, thu hồi nợ, Cục Thuế Hà Nội còn tăng cường biện pháp quản lý nợ bằng việc thanh, kiểm tra, rà soát số liệu nợ, phân tích tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, luồng tiền, tình trạng hoạt động của doanh nghiệp. Cục Thuế đã hoàn thành hơn 4.000 cuộc kiểm tra, 398 cuộc thanh tra xử lý truy thu, truy hoàn, phạt; ban hành các quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản đối với doanh nghiệp nợ thuế, thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng, nhưng con số này vẫn rất thấp, mới thanh tra, kiểm tra đạt từ 27,5 đến 33,7% so với kế hoạch.
Tỷ lệ nợ thuế cao hơn mặt bằng chung
Số tiền nợ thuế, phí của Hà Nội còn lớn, nên nội dung này được Thường trực HĐND thành phố đưa vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, HĐND TP Hà Nội khóa XV. Nhiều đại biểu lo lắng khi tiền thu được từ nợ đọng mới có 26,3%, bên cạnh đó, kết quả thanh tra, kiểm tra của Ngành Thuế vẫn thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, từ đầu năm 2016 đến nay, Ngành Thuế rất nỗ lực, triển khai các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ nợ thuế, nhưng con số này của Hà Nội vẫn cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước (cả nước là 7,5%), do vậy cần làm quyết liệt hơn.
Lý giải về kết quả thanh tra, kiểm tra đạt thấp, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Thế Mạnh cho biết, dù 6 tháng đầu năm 2016 kết quả thanh tra, kiểm tra thuế chỉ đạt 37% số cuộc thanh tra theo kế hoạch, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì tăng 60%. Lý do chậm là do đặc thù quý I tập trung vào việc quyết toán thuế, đầu tháng 4 mới bắt đầu công tác thanh tra, kiểm tra. Năm 2015 và những tháng đầu năm, Cục Thuế đã chuyển hồ sơ 17 doanh nghiệp còn nợ thuế với số lượng lớn và có hiện tượng bỏ trốn sang Công an thành phố. Những tháng cuối năm, Cục Thuế phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm.
Quyết tâm giảm tỷ lệ nợ đọng thuế, Cục Thuế Hà Nội cũng đã kiến nghị với UBND thành phố chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hà Nội phối hợp với cơ quan thuế xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, cơ sở dữ liệu liên thông giữa cơ quan thuế với hệ thống ngân hàng. Khi các doanh nghiệp nợ thuế phát sinh dòng tiền tại bất cứ ngân hàng nào thì ngân hàng đó sẽ tự động trích số tiền nợ để nộp vào ngân sách nhà nước cho đến khi hết nợ, đồng thời tự động hạch toán giảm trừ số nợ thuế trên hệ thống. Đặc biệt, khi thẩm định các dự án đầu tư, đối với các chủ đầu tư còn nợ nghĩa vụ tài chính về đất theo xác nhận của cơ quan thuế; UBND TP Hà Nội nên cân nhắc không tiếp tục giao cho các đơn vị này thực hiện dự án mới, nhằm tránh phát sinh nợ mới.
Trong điều kiện nguồn thu ngân sách còn nhiều khó khăn, nhu cầu đầu tư lớn thì việc truy thu nợ thuế có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, Ngành Thuế cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng có liên quan thực hiện hiệu quả công tác này, phấn đấu giảm số nợ đọng xuống 5% thu ngân sách năm như chỉ đạo của trung ương và yêu cầu của HĐND thành phố.