Ưu đãi khoản vay hỗ trợ nhà ở: Người vay vốn cần nghiên cứu kỹ
Bất động sản - Ngày đăng : 06:57, 09/08/2016
Khách hàng vay vốn ưu đãi hỗ trợ mua nhà ở cần đọc kỹ hợp đồng trước khi ký kết để lựa chọn khoản vay cho phù hợp. |
“Sốc” vì dừng ký hợp đồng tín dụng và tăng lãi suất
Liên tiếp trong mấy tháng đầu năm 2016, nhiều cá nhân, hộ gia đình thuộc diện được áp dụng khoản vay hỗ trợ nhà ở từ nguồn tái cấp vốn của NHNN Việt Nam (gói 30.000 tỷ đồng) lo lắng đứng ngồi không yên vì các thông báo dừng ký hợp đồng tín dụng mới kể từ ngày 31-3-2016 đối với toàn bộ khách hàng của chương trình ưu đãi tín dụng nhà ở. Ngừng lãi suất ưu đãi đối với các khoản vay giải ngân sau ngày 1-6-2016 để chuyển sang lãi suất thị trường theo thỏa thuận với ngân hàng. Trong tâm trạng hoang mang, rất nhiều người đã trách nhân viên tư vấn tín dụng cũng như nhà đất không nói rõ quy định này ngay từ khi mời chào mua nhà ở và suốt quá trình làm thủ tục vay vốn.
Nhưng trả lời của NHNN đã cho thấy, ngay từ khi thực hiện chủ trương chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở đã có nội dung nêu rõ các điều kiện về thời gian và mức lãi suất ưu đãi tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 11/2013/TT-NHNN “Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN kết thúc khi NHNN giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày thông tư này có hiệu lực”. Thông tư 11/2013/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1-6-2013, đến thời điểm tháng 3-2016 các ngân hàng tham gia giải ngân gói 30.000 tỷ đồng đã thống kê số vốn cam kết cho vay là 30.691 tỷ đồng, số tiền lũy kế giải ngân là 21.886 tỷ đồng, đủ điều kiện để thông báo dừng ký các hợp đồng tín dụng ưu đãi lãi suất. Việc không tìm hiểu kỹ chủ trương chính sách và các điều khoản trong hợp đồng tín dụng dẫn đến bất ngờ, lo lắng cũng có phần trách nhiệm của người vay vốn.
Tuy nhiên, sau khi lắng nghe ý kiến phản ánh nguyện vọng của người dân cũng như xét thấy đây là một chính sách góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, tạo cơ hội để người dân an cư nên NHNN đã báo cáo, đề xuất xin ý kiến Chính phủ xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các khách hàng cá nhân mua, thuê nhà ở, xây dựng sửa chữa nhà…
Đọc kỹ hợp đồng trước khi ký kết
Sau mấy tháng chờ đợi, Thông tư 25/2016/TT-NHNN được ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2016, đã giải tỏa phần nào lo lắng của người vay vốn ưu đãi. Tuy nhiên, để không lặp lại cú “sốc” như khi kết thúc thời hạn vay tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN, người vay vốn cần nắm rõ các quy định hướng dẫn.
Điều 1 Thông tư 25/2016/TT-NHNN quy định thời gian giải ngân của các ngân hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN để cho vay hỗ trợ nhà ở đối với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình mua, thuê nhà ở xã hội, mua nhà ở thương mại, xây dựng hoặc cải tạo sửa chữa nhà… thực hiện tối đa đến hết ngày 31-12-2016.
Chỉ áp dụng đối với các khoản vay mà ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với khách hàng trước ngày 31-3-2016 và đã được ngân hàng báo cáo NHNN tại báo cáo định kỳ số liệu đến ngày 10-5-2016. Sau thời điểm ngân hàng kết thúc giải ngân từ nguồn tái cấp vốn thì tiếp tục giải ngân đối với số tiền chưa giải ngân hết theo hợp đồng tín dụng đã ký bằng nguồn vốn của ngân hàng trên cơ sở lãi suất cho vay thỏa thuận và chính sách khách hàng của từng ngân hàng.
Trường hợp ngân hàng đã thu nợ lãi với mức lãi suất lớn hơn mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở được hoàn trả phần chênh lệch nợ lãi giữa mức lãi suất thực tế đã thu và mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở trong thời hạn không quá 2 tháng kể từ ngày Thông tư 25/2016/TT-NHNN có hiệu lực thi hành hoặc bù trừ cho khách hàng chậm nhất vào 2 kỳ thu lãi gần nhất sau khi được NHNN tái cấp vốn. Như vậy, khách hàng không lo bị đứt đoạn khoản vay nhưng cũng phải tính toán đến việc sẽ trả lãi vay cao hơn ưu đãi.
Thời điểm hiện tại, cùng với Thông tư 25/2016/TT-NHNN còn có Quyết định số 1013/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ ở mức 4,8%/năm, thấp hơn mức lãi suất của gói vay 30.000 tỷ đồng là 0,02%/năm. Người vay vốn cần nghiên cứu kỹ các quy định, căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh cũng như nhu cầu sử dụng để có quyết định sáng suốt lựa chọn khoản vay phù hợp.