Che giấu thông tin, nhiều sếp DNNN phạm luật nhưng chưa “lạnh gáy“?

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:32, 09/08/2016

Nhiều lãnh đạo DNNN đã không thực hiện minh bạch thông tin doanh nghiệp theo đúng qui định. Gần như cả làng chây ỳ nên không ai bị xử lý?


Chính phủ đã có tới 2 nghị định về việc công khai, minh bạch thông tin của DNNN (Nghị định 81 và Nghị định 87, ban hành trong tháng 9 và 10 năm 2015). Các Nghị định này ra đời trong bối cảnh có quá nhiều DNNN không công khai, minh bạch thông tin theo qui định. Thế nhưng, từ thời điểm Nghị định được ký ban hành và có hiệu lực đến nay, tình hình dường như không cải thiện, nếu không muốn nói là dậm chân tại chỗ.

Hiện nay, dư luận quan tâm đến thương vụ Mobifone mua AVG mà Thủ tướng đã phát lệnh thanh tra theo chỉ đạo của Ban Bí thư TW Đảng. Đây là hoạt động kinh doanh bình thường nhưng vào thời điểm cách đây 1 năm và đến bây giờ không ai biết thương vụ này được thực hiện ra sao, giá trị như thế nào?

Hay vụ việc Trịnh Xuân Thanh, chỉ khi vụ việc được Tổng Bí thư chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương vào cuộc thì mới phát hiện ra những việc ông Thanh từng làm gây hậu quả nghiêm trọng với phần vốn của Nhà nước thì nhiều người mới “té ngửa”. Vì không minh bạch nên đến giờ khi xảy ra thua lỗ, thất thoát thì không tìm được ai để qui trách nhiệm.

Lý do nào khiến các DN này không công bố thông tin tình hình doanh nghiệp mà vẫn không bị xử lý? Bởi theo qui định của pháp luật, ngoài các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh, thì tất cả các thông tin liên quan đến DN đều phải được công khai, minh bạch. Nhưng thực tế thì sao, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Nhà nước không được công bố, không một ai được biết, trừ phi có một số Tập đoàn, Tổng công ty lớn “dính phốt”, cơ quan điều tra vào cuộc thì mới lộ ra những thông tin động trời.

Đấy là hậu quả của việc thông tin không minh bạch. Và ngay tại thời điểm này, muốn tìm thông tin tài chính, kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp lớn còn khó hơn tìm kim đáy biển. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước này lại đang kinh doanh bằng tiền nhà nước thì không có lý do gì người dân không được quyền biết tài sản, tài chính công đã và đang được sử dụng như thế nào, có hiệu quả hay không?

Đằng sau sự “nhập nhèm” thông tin là quyền lợi của các cá nhân, nhóm lợi ích liên quan đến DN đó. Bởi thực tế, nhiều DNNN làm ăn thua lỗ nhưng lãnh đạo, nhân viên lại hưởng lương “khủng”, chưa kể những thứ quyền lợi khác mà nhiều người nằm mơ cũng không thấy.

Thị trường là thước đo giá trị chính xác nhất năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Vậy khi thông tin doanh nghiệp bị giấu kín trách nhiệm thuộc về ai? Trước hết, thuộc về chính lãnh đạo các doanh nghiệp đó và các cơ quan quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước.

Công khai, minh bạch thông tin về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong những cơ sở để giám sát, đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp. Đặc biệt, khi chúng ta đang thúc đẩy việc cổ phần hóa, sắp xếp DNNN thì minh bạch thông tin doanh nghiệp là yêu cầu số 1, chỉ khi đó mới mong tiến trình này “nhúc nhích”.

Lãnh đạo DNNN dám cố tình che giấu thông tin lẽ ra phải công bố là do chế tài không nghiêm, không đủ sức răn đe.

Công khai, minh bạch là một tiêu chí mà pháp luật đòi hỏi nhưng nhiều lãnh đạo DNNN đang vi phạm mà không bị xử lý

Chỉ khi nào chế tài và việc xử lý vi phạm trên khiến bất kỳ người đứng đầu DNNN nào cũng phải "lạnh gáy", thì khi đó tình hình mới có biến chuyển tích cực./. 

Theo VOV