Ngân hàng vẫn "bơi" trong nợ xấu

Tài chính - Ngày đăng : 06:51, 09/08/2016

(HNM) - Nợ xấu từng được ví như

Không ít ngân hàng vẫn đang loay hoay tìm cách xử lý nợ xấu bị "chôn" tại các dự án bất động sản. Ảnh: Lục Giang


Do phải giải quyết hậu quả của những khoản nợ xấu với việc trích lập dự phòng rủi ro, nhiều ngân hàng đã không có được lợi nhuận như kế hoạch. Một số ngân hàng khác thậm chí còn phải chịu thêm những khoản nợ xấu mới.

Bên cạnh những con số lợi nhuận cao mà các ngân hàng báo cáo mới đây, thì những khoản trăm tỷ đồng hay hàng nghìn tỷ đồng trích cho dự phòng rủi ro cũng đáng chú ý. Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lợi nhuận trong những tháng đầu năm từ hoạt động kinh doanh đạt 740 tỷ đồng, song ngân hàng này lại phải dành tới 661 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn 79 tỷ đồng. Không những thế, các khoản nợ xấu của ngân hàng này đang "kềnh càng" thêm với 4.285 tỷ đồng, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng từ 182 tỷ đồng lên 2.415 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn tăng từ 802 tỷ đồng lên 1.073 tỷ đồng. Với con số nợ xấu này, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tại ngân hàng tăng từ 1,9% lên 5,3%, vượt xa khỏi ngưỡng nguy hiểm 3% của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), đơn vị từng được sáp nhập bởi 3 ngân hàng TMCP: Sài Gòn, Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa, phải dành chi phí dự phòng tới 1.038 tỷ đồng trong báo cáo tài chính những tháng đầu năm, trong khi trước đó chỉ là 420 tỷ đồng. Cũng vì khoản lợi nhuận lớn phải trích lập rủi ro, nên lợi nhuận sau thuế còn gần 67 tỷ đồng. Mặc dù không lớn, nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước khi ngân hàng này lỗ 7,7 tỷ đồng, thì con số này vẫn khả quan sau thời kỳ dài ngân hàng này sáp nhập, với 94 tỷ đồng lãi ròng, cao gấp 2,3 lần.

Một cái tên khác cũng từng "làm mưa, làm gió" trong hệ thống là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank). Qua cái thời "nhắm mắt" cũng ra lợi nhuận, ngân hàng này cũng phải chấp nhận cắt đi một khoản lợi nhuận để dành cho chi phí rủi ro. Đúng là "cơn bão" nợ xấu vẫn là mối nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống ngân hàng. Với Sacombank, lợi nhuận trước thuế cũng phải chấp nhận giảm 76% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 363 tỷ đồng do chi phí hoạt động tăng lên 2.724 tỷ đồng, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 86% lên 731 tỷ đồng.

Nếu không phải dành quá nhiều lợi nhuận cho dự phòng rủi ro, đây cũng sẽ là một trong những ngân hàng báo lãi "khủng", trên 1.000 tỷ đồng. Về tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, mặc dù chưa bị nằm trong mức nguy hiểm, tức là vẫn dưới 3%, nhưng câu chuyện tăng nợ xấu của ngân hàng này cũng khiến những cổ đông đang đầu tư ở đây không thể ngồi yên. Tính đến hết nửa năm, tổng nợ xấu là 5.649 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 3.210 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 2,83%, trong khi đầu năm là 1,85%.

"Đại gia" của ngành ngân hàng là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng không tránh được "vòng xoáy" của trích lập dự phòng rủi ro và nợ xấu. BIDV phải dành 4.526 tỷ đồng cho trích lập dự phòng, nên lợi nhuận lùi xuống 3.311 tỷ đồng. Tuy nhiên, "ám ảnh" lớn nhất của BIDV vẫn là nợ xấu, tăng từ hơn 10.000 tỷ đồng lên 13.183 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 6.343 tỷ đồng. Ngay đến Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cũng phải mất 3.004 tỷ đồng cho rủi ro, để rút lợi nhuận trước thuế xuống 4.271 tỷ đồng. Hoặc Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) phải tiêu 3.009 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, nợ xấu tăng lên 5.366 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn hơn 3.000 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2015 là 2.795 tỷ đồng).

Còn nhiều cái tên khác vẫn phải "quay" trong mớ "bòng bong" nợ xấu như Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)... Rõ ràng là những dư chấn của "trận động đất" nợ xấu chưa qua đi, mà ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng vẫn còn nặng nề. Nguy hiểm hơn là nợ cũ chưa xử lý xong, nợ mới lại có nguy cơ "bùng phát", khiến nợ chồng nợ, ngân hàng vẫn phải "bơi" trong những khoản nợ, gây rủi ro cho nền kinh tế. Vẫn biết VAMC không phải "cây đũa thần" cho xử lý nợ xấu, nhưng ngay cả VAMC cũng chỉ là đơn vị "gói" nợ xấu, chuyển nợ từ cái giỏ này sang cái giỏ khác... Đã đến lúc các cấp có thẩm quyền cần phải nghĩ đến những giải pháp hiệu quả để giải quyết triệt để, loại bỏ nỗi ám ảnh nợ xấu của ngân hàng.

Đức Anh