Chủ tịch nước: Ngành Kiểm sát không để lọt tội phạm, không để oan sai
Chính trị - Ngày đăng : 14:29, 09/08/2016
Chủ tịch nước làm việc với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao |
Theo báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, 7 tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế xã hội có những chuyển biến tích cực, an ninh, chính trị, chủ quyền quốc gia được giữ vững và ổn định; trật tự, trị an xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, số vụ án khởi tố mới tăng 2,3% so với cùng kỳ, trong đó, tội phạm về ma túy và tội phạm về môi trường tăng...
Ngành Kiểm sát đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp như: công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đã được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, đã kiểm sát 100% quyết định, tỉ lệ giải quyết đạt trên 80%, số quá hạn giảm 6,1%. Trách nhiệm công tố trong giai đoạn điều tra được tăng cường, tiến độ giải quyết án nhanh hơn và chất lượng điều tra được nâng cao.
Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa, chất lượng, kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa đạt kết quả tốt hơn. Các trường hợp phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội giảm hơn 46% so với cùng kỳ năm 2015; Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục được tăng cường và hiệu quả hơn, nhất là kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại.
Tuy nhiên, trong hoạt động của ngành còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của một số đơn vị chưa chặt chẽ; Việc điều tra, xử lý một số vụ án về kinh tế và tham nhũng còn để kéo dài; Chất lượng tranh tụng của một số kiểm sát viên tại phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn còn có địa phương để xảy ra oan, sai; còn để xảy ra cán bộ vi phạm phải xử lý kỷ luật. Công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Từ nay đến cuối năm, ngành Kiểm sát đề ra các nhiệm vụ trong tâm như: Hoàn thành chi tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết của Quốc hội; phấn đấu không để xảy ra oan, sai và bỏ lọt tội phạm; có cơ chế, biện pháp giải quyết để giảm số đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đang tồn đọng. Đồng thời tích cực, chủ động tham gia xây dựng pháp luật, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nhất là các đạo luật mới về tư pháp.
Kiện toàn tổ chức bộ máy Viện Kiểm sát các cấp; tuyển dụng cán bộ, bổ nhiệm đủ cán bộ có chức danh tư pháp; bổ sung nhân lực cho VKSND cấp cao, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng, tăng cường giáo dục bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức; phân công lại nhiệm vụ của lãnh đạo VKSND tối cao, bảo đảm tính kế thừa, chuyên sâu và xác đinh cụ thể trách nhiệm.
Chủ tịch nước đề nghị ngành Kiểm sát tập trung đổi mới các mặt công tác, đảm bảo công lý phải được thực thi, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích mà ngành Kiểm sát đã đạt được trong thời gian qua. Chủ tịch nước cho rằng, với vai trò là một thiết chế đặc trưng trong bộ máy nhà nước, có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp nên yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành Kiểm sát đặt ra rất nặng nề.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, Chủ tịch nước yêu cầu ngành Kiểm sát cần tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực tư pháp. Đồng thời tập trung nghiên cứu, tham gia xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và các dự án luật có liên quan; triển khai thi hành có hiệu quả các đạo luật mới về tư pháp. Bên cạnh đó ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng dưới nhiều hình thức tới mọi tầng lớp nhân dân nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị: “Ngành Kiểm sát cần đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; thực thi đúng đắn, đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội tham nhũng. Khắc phục tình trạng đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn tồn đọng, kéo dài thời hạn giải quyết; phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, không để lọt tội phạm, không để oan, sai”.
Về cơ cấu tổ chức bộ máy, Chủ tịch nước đề nghị ngành cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy theo quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân năm 2014, bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức, cán bộ có chức danh tư pháp đáp ứng đầy đủ yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời sớm hoàn thiện Đề án tổ chức, biên chế của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2020 để trình Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo. Cùng với đó ngành cần xây dựng và tổ chức thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Viện Kiểm sát các cấp với cấp ủy chính quyền các cấp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, nhất là trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn hoạt động tư pháp đang đặt ra.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị: “Ngành cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ và các kiến thức về kinh tế, khoa học - công nghệ cần thiết khác; xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, kiểm tra viên, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm. Quan tâm công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, cải tiến lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm xảy ra”.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu ngành Kiểm sát cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (Khóa XII) để xây dựng các tổ chức đảng trong toàn ngành trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao.
Chủ tịch nước tin tưởng ngành Kiểm sát nhân dân sẽ phát huy truyền thống vẻ vang và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, nhất định có những bước phát triển toàn diện và mạnh mẽ hơn, đáp ứng sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.