Thiếu đồng bộ, sẽ khó thành công
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:57, 10/08/2016
Mới đây, tại Long Biên và Nam Từ Liêm, hai quận được thành phố lựa chọn thực hiện thí điểm, đã công bố dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 tại toàn bộ các phường, trước hết cung cấp dịch vụ lĩnh vực tư pháp và liên thông thủ tục hành chính với Công an, Bảo hiểm xã hội. Các đơn vị ở hai quận đã rất tích cực phối hợp thực hiện nhằm bảo đảm điều kiện chính thức công bố triển khai dịch vụ công cấp độ 3.
Từ thành công thí điểm ở 2 quận, từ hôm nay 10-8, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 tại 144 phường thuộc 10 quận còn lại và hết năm 2016 sẽ triển khai tại toàn bộ các xã, phường của Thủ đô. Cùng với sự lan tỏa của hoạt động này, rồi đây nhu cầu tiếp cận, hoàn thành thủ tục hành chính của người dân sẽ ngày càng thuận tiện, nhanh chóng hơn. Đây còn là tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục triển khai dịch vụ công mức độ 4 như đăng ký giấy khai sinh và trả giấy khai sinh qua mạng; đăng ký doanh nghiệp trên môi trường mạng...
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu về ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 không hề đơn giản. Bởi lẽ, quan điểm, tư duy của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn những hạn chế, muốn "ôm quyền", nên gây khó dễ cho người dân. Để thay đổi, Chính phủ và các địa phương đã rất nỗ lực thực hiện bộ cải cách hành chính công, theo hướng bảo đảm thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân. Nhờ ứng dụng phần mềm liên thông giữa các sở, ngành, nên thời gian giải quyết hồ sơ (như thủ tục liên thông theo Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT đã rút từ 20 ngày theo quy định xuống còn 5 ngày làm việc). Đây cũng là cơ sở để hình thành công dân điện tử và hồ sơ, dữ liệu điện tử của công dân. Thực sự là tin mừng bởi người dân sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt với người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Mừng đấy, nhưng cũng lo đấy! Lo bởi lẽ, dù được cấp kinh phí đào tạo công nghệ thông tin, nhưng vì nhiều lý do, ở không ít địa phương, vẫn còn một bộ phận cán bộ ngại học công nghệ thông tin. Đơn giản là khối lượng công việc lớn nên không có thời gian đi học. Cụ thể, trong các khóa học về công nghệ thông tin được tổ chức (miễn phí) ở 12 quận và 5 huyện, chỉ có hơn 50% học viên tham dự. Và, có lẽ mỗi cán bộ mẫn cán phải tự mày mò học hỏi nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
Người dân, ở khu vực đô thị còn thuận lợi, ở vùng sâu, vùng xa chắc hẳn còn gặp nhiều khó khăn hơn trong tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin. Ngay cả khi cán bộ, người dân có đủ khả năng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, nhưng nếu hạ tầng công nghệ thông tin chưa thể đáp ứng, hoàn toàn có thể nảy sinh những bức xúc không đáng có. Chẳng nói đâu xa, ngay tại các kỳ tuyển sinh vừa qua, dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng còn xuất hiện tình trạng… nghẽn mạng.
Để thực sự thuận lợi, ngoài việc điều chỉnh, thay đổi, điều chỉnh cải cách bộ hành chính công (đã, đang được thực hiện), không chỉ mỗi cán bộ mà mỗi người dân phải chủ động nâng cao trình độ, tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin. Hệ thống hạ tầng công nghệ cũng phải đi trước một bước… Thiếu đồng bộ, sẽ khó thành công.