Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ: Đã qua sóng gió

Thế giới - Ngày đăng : 06:27, 10/08/2016

(HNM) - Giai đoạn căng thẳng nhất trong quan hệ tốt đẹp suốt hai thập kỷ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang qua đi nhanh chóng. Chuyến thăm xứ sở Bạch dương của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bắt đầu từ ngày 9-8 được kỳ vọng sẽ mở ra chương hợp tác mới giữa hai nước.

Cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại cố đô Saint Peterburg được đánh giá mang tính lịch sử, bởi nó có khả năng quyết định không chỉ “số phận” mối liên kết giữa hai quốc gia mà còn tác động mạnh tới tình hình khu vực cũng như tương lai quan hệ “tay ba” Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - phương Tây.

Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Nga V.Putin (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan vào ngày 9-8 tại Saint Peterburg.



Đây là cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên giữa ông R.Erdogan và Tổng thống V.Putin kể từ sau vụ chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hồi mùa thu năm ngoái. Tuy nhiên, căng thẳng đã được cải thiện sau khi Tổng thống R.Erdogan công khai xin lỗi về vụ việc. Nga cũng là một trong những nước đầu tiên bày tỏ ủng hộ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sau nỗ lực đảo chính bất thành tại quốc gia này vào ngày 15-7 vừa qua. Trước thời điểm định mệnh của chiếc máy bay Su-24 bị bắn hạ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 100 tỷ USD. Việc ngừng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau đó đã khiến Nga bị thiệt hại đáng kể đúng vào thời điểm chính quyền của Tổng thống V.Putin phải hứng chịu sức ép kinh tế nặng nề do chính sách "bao vây" của phương Tây cũng như giá dầu lao dốc làm "bốc hơi" ngân sách khoảng 150 tỷ USD mỗi năm.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đối mặt với những nguy cơ về an ninh và bất ổn chính trị. Riêng nửa đầu năm nay, 7 vụ đánh bom khủng bố lớn tại thành phố Ankara và Istanbul đã khiến hơn 200 người thiệt mạng. Cuộc xung đột kéo dài với cộng đồng người Kurd, vốn đã cướp đi sinh mạng của khoảng 40.000 người, đang có dấu hiệu leo thang nghiêm trọng. Xung đột chính trị nội bộ dai dẳng cùng những cuộc tranh giành quyền lực dẫn tới việc thay đổi Chính phủ ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 5 vừa qua. Cuộc đảo chính bất thành đêm 15-7 tiếp tục là hồi chuông cảnh báo với sự tồn vong của chính quyền Tổng thống R.Erdogan rằng: Nếu tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng với Nga sẽ dẫn tới những hậu quả tồi tệ hơn. Ngược lại, việc cải thiện quan hệ với Mátxcơva còn hứa hẹn mang lại những lợi ích đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Theo thống kê, trong thời gian bị Nga trừng phạt, chỉ riêng ngành Du lịch - vốn đóng góp tới 4,5% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ - đã chịu tổn thất rất nghiêm trọng.

Do đó, Tổng thống R.Erdogan hy vọng, quay trở lại với Nga sẽ đem lại những lợi ích kinh tế khó có thể nhận được từ bất kỳ nước nào khác. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ giúp Nga trong xuất khẩu khí đốt. Với lợi thế về năng lượng, chính quyền Tổng thống V.Putin cần sự hợp tác của người đồng cấp R.Erdogan để thúc đẩy cung cấp khí đốt ra bên ngoài. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ giữ vai trò "đầu cầu phía Nam", Nga sẽ không còn cần đến Ukraine cho việc trung chuyển khí đốt xuất khẩu sang Nam Âu. Bằng cách sẵn sàng trở thành trạm trung chuyển của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ thỏa mãn được nhu cầu khí đốt của nước này.

Cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây phát sinh sau cuộc chính biến bất thành đã "đẩy" quốc gia này đến với Nga. Tổng thống R.Erdogan cho rằng, các đồng minh phương Tây không chia sẻ và ủng hộ ông sau cuộc đảo chính, thậm chí ông còn cáo buộc một số nước phương Tây "hậu thuẫn" các phần tử gây bạo loạn. Cùng lúc đó, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) bày tỏ lo ngại trước ý định của Tổng thống R.Erdogan khôi phục án tử hình nhằm trừng phạt những người tham gia cuộc lật đổ. Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ cũng lạnh nhạt khi Mỹ chưa thực hiện yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Ankara cáo buộc đứng sau vụ chính biến. Trong khi đó, EU cũng quyết định "đóng băng" việc áp dụng quy chế miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU theo thỏa thuận về người di cư giữa hai bên, bất chấp nước này cảnh báo sẽ ngừng thực hiện việc ngăn chặn dòng người tị nạn.

Chuyến công du Nga là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống R.Erdogan sau cuộc đảo chính thất bại. Động thái này thể hiện rõ mối quan tâm và thành ý của Ankara trong việc khôi phục hợp tác với Mátxcơva. Vì lợi ích của hai nước, sóng gió vừa qua cũng chỉ là một thử thách đã lùi lại phía sau trong mối quan hệ đồng minh sống còn này.

Thùy Dương