Bài cuối: Không phải chuyện một sớm, một chiều
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:21, 10/08/2016
Cái giá để thoát nghèo
Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ với những tòa nhà cao tầng bề thế, những trung tâm thương mại sầm uất mọc lên khắp nơi. Thế nhưng đâu đó, người ta vẫn dễ dàng bắt gặp những xóm trọ tồi tàn, khu nhà ổ chuột, thiếu tiện nghi sinh hoạt tối thiểu như điện, nước sạch, nhà vệ sinh… Sinh sống trong những căn phòng thiếu tiện nghi ấy, phần lớn là người lao động nhập cư, những người coi việc cật lực lao động, khắc khổ ăn uống, tằn tiện chi tiêu là cái giá họ phải trả cho giấc mơ thoát nghèo. Và vẫn còn nhiều khó khăn, thiệt thòi khác họ đang phải đối mặt, những điều gần như ngay lập tức tạo thêm áp lực lên cuộc sống vốn chẳng dễ dàng gì của họ.
Lao động tự do chờ người thuê làm việc. Ảnh: Thái Hiền |
Từ chối cho tôi biết tên nhưng người phụ nữ thu mua phế liệu, sống trong xóm trọ làng Cót (phường Yên Hòa, Cầu Giấy) sẵn lòng chia sẻ: Điều chị sợ nhất khi làm ăn xa nhà là bị đau ốm, bởi công việc mưu sinh “đứt đoạn” mà chi phí thuốc men, khám chữa bệnh… còn bị đội lên nhiều lần do không có bảo hiểm. Chị cũng đã thử tìm hiểu thông tin nhưng rồi bỏ cuộc vì mức phí cho bảo hiểm xã hội tự nguyện vượt ngoài khả năng chi trả. Sống trong những phòng trọ xập xệ song phí các loại dịch vụ điện, nước… chủ trọ cung cấp, cao hơn giá Nhà nước quy định rất nhiều. Khi con cái đến tuổi học mẫu giáo, lao động ngoại tỉnh lại tiếp tục phải gồng mình vì chẳng thể cho con theo học trường công do thiếu hộ khẩu…
Thực trạng trên diễn ra phổ biến gây nên nhiều bất cập. Dù là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương tại các đô thị nhưng người lao động xa quê không dễ gì tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội. Điều này khiến họ phải chịu mức phí cho các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, điện nước sinh hoạt… cao hơn rất nhiều so với người địa phương, dẫu thu nhập còn khiêm tốn. Nhóm này cũng gần như không thể tiếp cận với các chương trình giảm nghèo, vay vốn, tạo việc làm..., do không có hộ khẩu, không hợp đồng lao động. Kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ “Chương trình Quyền lao động” của Tổ chức phi chính phủ Oxfam tại Việt Nam cho thấy: 99% lao động di cư khu vực phi chính thức không có bảo hiểm xã hội; 76,5% lao động chưa tham gia bảo hiểm y tế; 71% lao động không tiếp cận được với dịch vụ y tế công; 21,2% trẻ di cư (trong độ tuổi từ 6 đến 14) không được đi học; 13,2% trẻ di cư (nhóm dưới 6 tuổi) không được tiếp cận với bảo hiểm y tế tại nơi đến…
Dù mang lại nhiều lợi ích cho đời sống đô thị song lực lượng lao động từ nông thôn về thành phố cũng đồng thời bị coi là tác nhân gây nên tình trạng giao thông ùn tắc, tai nạn, ngộ độc thực phẩm gia tăng… thậm chí, bị "quy trách nhiệm" góp phần trong việc làm phôi phai bản sắc văn hóa. Nhiều lao động di cư thừa nhận đã từng bị người địa phương phân biệt đối xử mà phổ biến là tình trạng bị “lôi” quê quán ra bình luận khi có va chạm, tranh chấp...
Vấn đề của mọi đô thị
Lao động di cư từ nông thôn đến các đô thị không còn là câu chuyện mới, nhưng những vấn đề phát sinh, tồn tại chưa bao giờ mất đi tính thời sự. Thủ đô Hà Nội cũng không nằm ngoài câu chuyện ấy. Những năm qua, nhiều tổ chức xã hội, mô hình đồng đẳng… đã ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nhập cư như: Mạng lưới hành động vì lao động di cư (M.net), Mô hình nhà sinh hoạt cộng đồng “Ngày mới”… Không ít cá nhân, tập thể đã có những hành động ý nghĩa như tặng vé xe về quê ngày Tết, phát cơm, chăn, áo ấm... góp phần không nhỏ chia sẻ những gian nan, nhọc nhằn với người lao động nghèo. Trên nhiều con đường, những quán ăn giá 0 đồng, những tủ bánh mỳ, ấm trà, bình nước miễn phí… trở thành địa chỉ dừng chân thân thuộc với nhiều lao động. Cùng với các cá nhân, tổ chức xã hội, chính quyền thành phố cũng có nhiều hành động thiết thực nhằm hỗ trợ lao động nhập cư như: Đăng ký tạm trú dài hạn cho người lao động đã có hợp đồng, tạo điều kiện cho người lao động mua nhà xã hội và đưa con cái vào học trường công...
Nhà nghiên cứu Nguyễn Lân Bình nhận định: Nhập cư là vấn đề của mọi thời đại, mọi đô thị chứ không riêng gì Hà Nội. Việc văn hóa Hà Nội xưa có mất đi hay Hà Nội ngày nay có nhếch nhác, lộn xộn hơn không thể quy lỗi cho người nhập cư. Nếu thành phố có quy hoạch đô thị đủ tốt, chính sách văn hóa phù hợp, được áp dụng nghiêm túc, bài bản thì việc giữ gìn bản sắc không phải là vấn đề khó... Chuyên gia Nhân học văn hóa - xã hội, PGS.TS Nguyễn Văn Chính, cũng cho rằng: “Các đô thị lớn đóng vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, vì thế nó thường xuyên đón nhận những tinh hoa của xã hội cũng như không thể từ chối luồng lao động nghèo đổ về tìm kiếm cơ hội sống tốt hơn. Nếu chỉ nhìn thấy những tác động tiêu cực của dòng di cư nông thôn - thành phố mà quên những đóng góp tích cực của họ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đô thị là thiếu công bằng và đi ngược lại quy luật phát triển cũng như quá trình đô thị hóa”.
Những người lao động ngoại tỉnh là một phần không thể thiếu của đời sống đô thị, do vậy, cần ứng xử với họ bằng trái tim nhân ái, nhìn họ với cái nhìn cảm thông, chia sẻ hơn, từ đó đưa ra những giải pháp hiệu quả, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cũng như phát huy vai trò của lực lượng lao động này đối với sự phát triển đô thị. Và nữa là đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, gìn giữ vệ sinh môi trường... cho những người lao động nông thôn để họ có thể hội nhập với đời sống cũng như văn hóa đô thị.
Lao động nông thôn di cư về thành phố là xu thế tất yếu của quá trình đô thị hóa và không phải mới diễn ra trong những năm gần đây. Điều này có nghĩa, Hà Nội đã, đang và sẽ phải đối mặt với những vấn đề có thể làm thay đổi bản sắc văn hóa. Và như vậy, thay vì lo lắng những xung đột, giao thoa có thể làm xói mòn, mai một những giá trị xưa cũ, Thủ đô cần trở thành một cộng đồng xã hội có tính dung nạp cao, chắt lọc, lắng đọng những cái hay, cái đẹp để điều chỉnh nhằm xây dựng một Hà Nội có bản sắc trong sự phát triển đa dạng như nó vốn thế.