Bài cuối: Siết chặt công tác quản lý sản xuất giống cây trồng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:22, 10/08/2016
Kiểm tra, đánh giá khả năng chịu hạn của giống ngô tại Viện Nghiên cứu ngô. Ảnh: Thái Hiền |
Loại bỏ tư tưởng chạy theo thành tích
GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng: Hiện sản xuất giống đang tồn tại song song hai hệ thống. Một hệ thống, gồm các doanh nghiệp sản xuất giống để bán cho người nông dân và một hệ thống làm giống để... thanh toán kinh phí đề tài của Nhà nước. “Hai mục tiêu khá khác nhau, dù công đoạn cuối cùng đều là tạo ra giống. Hệ thống thứ nhất nếu không làm ra giống được nông dân chấp nhận thì thua lỗ, khó tồn tại. Hệ thống thứ hai không có giống để "trả bài" cho Nhà nước cũng không tồn tại được. Vì vậy, hiện tại, sản xuất giống chưa thật sự căn cơ, đặt hiệu quả lên đầu mà chỉ chú trọng “danh” hoặc "lợi” - ông Long nhận định.
Còn PGS.TS Nguyễn Thị Trâm - Viện Sinh học Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chia sẻ: Các đề tài sản xuất giống của các viện nghiên cứu, các cá nhân đang rơi vào tình trạng cố gắng tìm cách thuận lợi nhất, nhẹ nhàng nhất để “trả bài” đúng thời gian quy định. Theo bà Trâm, sản xuất giống để bán sẽ không bị hạn chế thời gian kiểu như 3 năm, 5 năm bắt buộc phải ra được sản phẩm mới, còn làm giống để hoàn thành đề tài phải tính toán sao cho trong khoảng thời gian ấy được Hội đồng chấp nhận (chứ không hẳn là nông dân chấp nhận). Hội đồng chấp nhận phần lớn bằng số liệu lý thuyết cộng thêm ít số liệu của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia nhưng ít có thông số thực tiễn.
Ông Đỗ Bá Vọng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương cho rằng: Đã đến lúc Nhà nước cần siết chặt công tác quản lý cũng như sản xuất, khảo nghiệm giống. Viện nghiên cứu, Trung tâm khảo nghiệm giống thì nhiều, đề tài về sản xuất giống cũng khá lớn song nếu cứ sản xuất ra đem “cất” vào phòng thí nghiệm thì nông nghiệp Việt Nam sẽ không bao giờ chủ động được nguồn giống.
Thu hút doanh nghiệp tham gia sản xuất
Theo ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), ngoài các giống lúa, giống rau thông thường tự sản xuất được, các loại rau, hoa cao cấp như su hào, bắp cải, ớt ngọt, súp lơ xanh, các loại hoa lan..., Việt Nam đang phải nhập khẩu tới 80-95% do việc đầu tư kinh phí sản xuất các loại giống này rất lớn và phải có công nghệ cao. Còn ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm cho rằng: Thời gian qua, việc đầu tư cho nghiên cứu chọn giống của nước ta không nhỏ, nhưng ở trong tình trạng đầu tư mất cân đối.
Việt Nam đã quá chú trọng vào cây lương thực để bảo đảm an ninh lương thực, trong khi các cây trồng có giá trị cao, mang lại giá trị lớn thì mới được quan tâm trong thời gian gần đây. “Nếu chỉ trông chờ vào các doanh nghiệp, viện nghiên cứu của nhà nước sẽ không bao giờ đủ tiềm lực cung cấp giống. Vì vậy, Việt Nam cần phải phát huy tốt cả hai hệ thống sản xuất giống là các công ty, viện nghiên cứu nhà nước và cộng đồng. Muốn vậy, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các nhà khoa học, động viên nông dân, doanh nghiệp cùng chung tay vào sản xuất giống” - ông Đào Thế Anh nhận định.
Để sản xuất ra các giống cây trồng cần nguồn kinh phí lớn, nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp thì e sản xuất giống sẽ dừng ở mức nghiên cứu, thiếu thực tiễn. Ông Phạm Đồng Quảng cho rằng, các doanh nghiệp sẽ là động lực, mấu chốt giải quyết vấn đề vốn, cơ sở vật chất... từ đó sẽ hình thành công nghiệp hạt giống. Để nâng cao năng lực sản xuất giống cây trồng, việc gắn kết với doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Theo ông Quảng, cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho một số doanh nghiệp lớn làm công tác nhân giống.
Thực tế, để thu hút doanh nghiệp trong nước tham gia vào lĩnh vực này, trong Quyết định 2194 của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất giống cây trồng giai đoạn 3 là có chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp về vay vốn tín dụng, chính sách đất đai... Tuy nhiên, một số doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng cho biết, hiện nay việc tiếp cận các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước không dễ. Vì vậy, về lâu dài, các bộ, ngành, địa phương cần liên kết để xây dựng khung pháp lý về hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng cho phù hợp với thực tiễn.