Chuyên nghiệp hóa sân chơi cờ tướng là hướng đi đúng
Thể thao - Ngày đăng : 07:03, 11/08/2016
Một trận đấu tại giải Trạng cờ Đất Việt ở đền Ngọc Sơn. Ảnh: Đỗ bảo |
- Với hơn 300 kỳ thủ dự giải năm nay, Trạng cờ Đất Việt đang thực sự trở thành một sân chơi hấp dẫn với các kỳ thủ nghiệp dư và chuyên nghiệp, thưa ông?
- Đó thực sự là một con số ấn tượng, cho thấy bước tiến mới trong việc chuyên nghiệp hóa môn cờ tướng. Trước đây, tổ chức được một giải đấu có khoảng 30 kỳ thủ tham dự đã khó, nay thì khác hẳn. Điều đó khẳng định hướng đi mà những người làm tổ chức đang triển khai là đúng đắn.
- Nhưng chuyên nghiệp hóa cờ tướng chắc chắn không phải việc dễ dàng, bởi đây là môn phong trào. BTC đã giải quyết vấn đề xã hội hóa kinh phí cho công tác tổ chức giải như thế nào?
- Vấn đề này tưởng khó, hóa ra là dễ giải quyết bởi hầu hết các kỳ thủ gắn bó với cờ tướng bằng niềm đam mê, không ngại ngần cùng vào cuộc với BTC để huy động kinh phí. Tôi vốn là “dân kiến trúc”, khi chơi cờ nghiệp dư đã thấy môn này có rất nhiều người - ở nhiều vai trò, vị trí công việc khác nhau - tham gia một cách đam mê. Vậy thì chẳng có lý do khiến nó không phát triển. Chỉ cần tạo ra sân chơi chung, có những người yêu cờ thực sự sẵn sàng cùng nhập cuộc và cùng hỗ trợ thì chuyện khó mấy cũng có thể giải quyết.
- Điều đó có nghĩa bây giờ, “xin tiền” tổ chức các giải cờ tướng đã thành “chuyện đơn giản”, thưa ông?
- Có thể nói như vậy, vì hiện nay, các giải cờ tướng như Trạng cờ Đất Việt, Ngôi sao Quốc tế Phương Nam và nhiều giải quốc tế khác đều luôn có các nhà tài trợ vào cuộc, được Liên đoàn Cờ Việt Nam hỗ trợ và ủng hộ. Các trận đấu được ghi hình, phát sóng trên truyền hình. Tất nhiên, đây đó vẫn còn những việc chưa suôn sẻ, nhưng, điều quan trọng là hướng chuyên nghiệp hóa cờ tướng đã cho thấy tính đúng đắn. Vì vậy, có khó khăn đến mấy thì chúng tôi cũng tự tin là mình có thể vượt qua.
- Tiếp tục hướng đi đúng ấy, sắp tới, diễn đàn “Thăng Long Kỳ Đạo” sẽ triển khai những giải pháp gì?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư phát triển Học viện Cờ tướng. Hiện nay, sau 2 năm thí điểm tại Hà Nội, chúng tôi đã tổ chức được 22 khóa học dành cho lứa tuổi dưới 15 và trên 15, mỗi khóa 10 buổi, 20-25 người/lớp. Học phí chỉ 800.000 đồng/khóa, tương đối hợp lý nên lớp nào cũng kín chỗ. Sau thành công ở Hà Nội, các lớp cờ sẽ tiếp tục được mở ở các tỉnh, thành phố khác. Đây chính là một trong các giải pháp để chúng tôi gây dựng một phần kinh phí cho hoạt động của diễn đàn, tạo nền tảng tốt cho phong trào cờ tướng.
- Nhưng như vậy, phải chăng diễn đàn “Thăng Long Kỳ Đạo” đang “lấn sân”, làm thay vai trò của Liên đoàn Cờ Việt Nam?
- Đây không phải là sự lấn sân, mà chính xác là sự liên thông, góp phần hỗ trợ phát hiện tìm hạt nhân năng khiếu cho các đội tuyển cờ của Hà Nội và quốc gia. Để góp phần phát triển công tác tổ chức và thi đấu cờ tướng, đòi hỏi rất nhiều thời gian, nhưng tôi luôn xác định đây không chỉ là đam mê, mà là công việc. Vì vậy, mọi người đều ủng hộ và hỗ trợ tôi với quan điểm “làm gì thì làm, miễn là có ích cho xã hội”.
- Cảm ơn ông!