Lao động trẻ em và thách thức hội nhập

Đời sống - Ngày đăng : 07:46, 11/08/2016

(HNM) - Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ tham gia đòi hỏi khắt khe yêu cầu về nhân lực lao động, trong đó không chấp nhận việc sử dụng lao động trẻ em (LĐTE). Làm thế nào để các làng nghề hiện nay không vi phạm điều này mà vẫn tạo được môi trường truyền nghề cho thế hệ trẻ, thực sự là một thách thức trong quá trình hội nhập.

Lao động trẻ em tại làng nghề mây, tre đan Chương Mỹ. Ảnh: Bá Hoạt


Bé Hoàng Ngọc Vũ (11 tuổi, xã Phương Trung, Thanh Oai) rất thích được giúp mẹ luồn nhôi (xâu chỉ), xem mẹ nức nón. Tuy gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhưng chị Kiều Ngọc Hương (mẹ của Vũ) nhận thức rõ về trách nhiệm với con, nên dành phần lớn thời gian của con để học tập, vui chơi cùng các bạn. Chỉ đến khi các con 9-10 tuổi, chị mới cho con tìm hiểu, làm quen với nghề làm nón truyền thống của ông cha. 3 con chị chỉ thực sự làm nghề cùng mẹ sau khi tốt nghiệp THPT.

Chủ tịch Hội LHPN xã Phương Trung (nơi có làng nghề nón Chuông, huyện Thanh Oai) Lê Thị Trinh cho biết, làm nón là nghề không quá vất vả. Hơn nữa, xã hội phát triển, người làng nhận thức rất rõ về trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ em nên trẻ trong làng không phải làm việc kiếm sống. Thời trước, trẻ lên 6-8 tuổi là được học nghề, giờ trẻ em trong làng tập trung học tập, vui chơi, đến 10 tuổi mới học để biết nghề của ông cha. Trên địa bàn xã còn khoảng 45-50 hộ nghèo, hằng năm đều được tuyên truyền về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, cho vay vốn phát triển kinh tế, tặng quà Tết, miễn học phí, tặng bảo hiểm y tế… Toàn xã không có tình trạng lạm dụng LĐTE trong quá trình sản xuất, kể cả tại các hộ khó khăn.

Tìm hiểu tại làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Văn May khẳng định, trên địa bàn xã, toàn bộ các công đoạn từ nguyên liệu, sản xuất, cung ứng, vận chuyển… đều do thợ có tay nghề đảm nhiệm, hoàn toàn không có LĐTE. Tuy là làng nghề, nhưng từ lâu, các doanh nghiệp trong làng áp dụng công nghệ cao, đòi hỏi thợ phải được đào tạo bài bản để sản phẩm đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế. Việc lo lắng sản phẩm sứ Bát Tràng có sự tham gia sản xuất của LĐTE là không có căn cứ. Tuy vậy, xã vẫn hết sức quan tâm tới công tác tuyên truyền về Luật Trẻ em, lấy phòng ngừa là chính, bảo đảm cho trẻ không phải lao động sớm.

Không riêng tại Phương Trung, Bát Tràng, ở phần lớn các làng nghề trên địa bàn thành phố như Phú Yên (huyện Phú Xuyên), Liên Hà, Vân Hà (huyện Đông Anh), Vạn Phúc (quận Hà Đông)… cũng không còn tình trạng LĐTE. Trưởng phòng Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội) Đỗ Thị Hải Đường cho biết, Hà Nội đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Trẻ em, quan tâm nhiều đến các khu vực có nguy cơ cao về LĐTE, rà soát nhằm phòng ngừa tình trạng lao động sớm ở trẻ.

Tuy vậy với khoảng 1.350 làng có nghề, 272 làng được công nhận là làng nghề, 198 làng nghề truyền thống, Hà Nội rất cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, rà soát, có các giải pháp thực thi nghiêm túc các điều kiện của hiệp định thương mại tự do. Chuỗi cung ứng hàng hóa theo hiệp định là khái niệm rất rộng, bao gồm toàn bộ quy trình sản xuất, với nhiều khâu như khai thác nguyên, nhiên liệu, cung ứng, phân phối sản phẩm... Thực hiện nghiêm túc điều khoản không sử dụng LĐTE, sản phẩm của các làng nghề mới không bị tẩy chay, rộng đường tiêu thụ ra thế giới...

Trong khi đó, điều khoản này lại có những yếu tố đối lập với truyền thống truyền nghề cho con từ nhỏ tại các làng nghề, nhất là với những nghề thủ công gia truyền và với những công việc vừa sức, phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và thời gian của trẻ như thêu ren, mây tre đan… Vì vậy, rất cần có ranh giới giữa việc trẻ em học để biết nghề, duy trì tình yêu nghề truyền thống của ông cha với lạm dụng LĐTE. Trẻ em học nghề, tập lao động để hoàn thiện nhân cách cũng rất cần được khuyến khích. Để cân bằng giữa hai mục tiêu này, rất cần sự vào cuộc của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân làng nghề, giám sát, phòng ngừa LĐTE, đồng thời tạo điều kiện mở đường cho sản phẩm của làng nghề chắp cánh bay xa.

Linh Chi