Sáng nay 11-8, công khai xin lỗi tử tù 43 năm

Đời sống - Ngày đăng : 08:09, 11/08/2016

Sáng 11-8, Liên nghành các cơ quan tư pháp trung ương sẽ tổ chức buổi công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm (80 tuổi, ngụ tại Bắc Ninh), người mang thân phận tử tù suốt 43 năm qua.

Ông Thêm tại nhà riêng ở Bắc Ninh - Ảnh: TÂM LỤA


Buổi công bố và xin lỗi sẽ diễn ra lúc 9g sáng tại Hội trường Trung tâm huyện Yên Phong, thị Trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Trong ngày 10-8, gia đình ông Thêm và người đại diện theo ủy quyên của ông Thêm đã nhận được giấy mời tham dự buổi lễ do lãnh đạo Liên ngành tư pháp Trung ương ký.

Lãnh đạo TAND cho biết sau khi công bố quyết định đình chỉ điều tra và công khai xin lỗi đối với ông Thêm, việc giải quyết bồi thường oan sai cho ông sẽ được tiến hành trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, chiều 9-8, Liên ngành tư pháp trung ương đã họp và kết luận ông Trần Văn Thêm là người đã bị điều tra, truy tố và xét xử oan trong vụ án ông Nguyễn Khắc Văn bị giết vào đêm 23-7-1970 tại thôn Cầu Diện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc).

Sau cuộc họp liên ngành, Bộ Công an đã ký quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Thêm.

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, năm 1970, ông Thêm bị cáo buộc giết chết em họ để cướp của. Sau đó ông bị hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm kết án tử hình dù liên tục kêu oan.

Cuối năm 1975, khi người được cho là hung thủ của vụ án bị bắt, ông Thêm được trả tự do nhưng chỉ có tờ giấy cho trở về nhà vì được miễn lao động nặng. Sau đó ông đã nộp giấy chứng nhận này cho chính quyền địa phương nơi ông cư trú.

Từ đó, ông Thêm và các cháu đã gõ cửa nhiều cơ quan ở trung ương và địa phương để nộp đơn kêu oan, đề nghị được minh oan. Tuy nhiên hồ sơ bị tắc do ông không nộp được bất kỳ giấy tờ nào chứng minh mình từng đi tù, từng bị kết án tử hình.

Năm 2014, ông Nguyễn Văn Hòa (đại diện ủy quyền của ông Thêm) và luật sư đã trích lục được hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Thêm tại Công an tỉnh Bắc Ninh. Từ đó ông Hòa gửi đơn tới TAND tối cao đề nghị giải quyết. 

Theo Tuổi trẻ