Lương tối thiểu năm 2017: Đã tính tới nhiều yếu tố
Đời sống - Ngày đăng : 17:32, 11/08/2016
Ảnh minh họa. |
Như vậy chỉ sau hai lần họp, một ở Hải Phòng và một ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) thì mới đây Hội đồng tiền lương quốc gia (HĐTLQG) đã chốt được phương án tăng lương năm 2017 để trình Chính phủ với mức đề xuất tăng 7,3% so với năm 2016 tức 213.000 đồng.
Đáng chú ý là mức này đã được 93% thành viên của HĐTLQG tán thành. Và đây cũng là lần đầu tiên mà HĐTLQG chốt ngay được phương án chỉ sau hai lần họp. Mức tăng này dù đã được dự đoán từ trước nhưng Tổ chức lao động quốc tế (ILO) lại rất hoan nghênh mức độ đồng thuận giữa các thành viên của HĐTLQG bao gồm đại diện của Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động trong việc thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2017.
Bởi vấn đề quan trọng nhất đó là xu hướng tiếp cận về LTT giữa người sử dụng lao động và người lao động đã giảm bớt khoảng cách hơn. Xu hướng này cho thấy các bên đang ngày càng ghi nhận lợi ích của nhau hơn. Và cách làm này đã khá gần với chuẩn mực, cũng như kinh nghiệm của quốc tế. Đó là việc xác định nhu cầu sống tối thiểu, xu hướng tiền lương tối thiểu trong nghiên cứu về tác động của điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với DN và người lao động, kinh nghiệm của các công đoàn trong việc chuẩn bị các phương án lương tối thiểu; cách thức hỗ trợ người sử dụng lao động tham vấn và nghiên cứu các tác động của việc tăng lương tối thiểu đối với DN…
Đại diện ILO tại Việt Nam cho biết, “ILO không nhận xét về mức tăng cụ thể được HĐTLQG đề xuất mà khuyến khích áp dụng cách tiếp cận dựa trên bằng chứng và các phân tích rõ ràng về thị trường lao động trong các phiên thảo luận của Hội đồng. HĐTLQG xem xét hàng loạt các yếu tố kinh tế và xã hội bao gồm chi phí sinh hoạt cũng như nhu cầu của người lao động và gia đình họ. Khả năng trả lương tối thiểu của DN, năng suất và nhu cầu cần và duy trì việc làm cũng là những yếu tố cần được xem xét".
Tất nhiên để đi đến sự đồng thuần nhanh như vậy cũng phải kể đến sự chuẩn bị chu đáo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từ trước đó. Họ đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, khảo sát từ người lao động đến các doanh nghiệp để đưa ra mức tăng vừa đảm bảo tiền lương thực tế của người lao động, vừa tính tới yếu tố năng suất lao động và năng lực cạnh tranh cùng các chi phí của doanh nghiệp. HĐTLQG cũng “đánh giá cao Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp vì họ phải có khả năng tồn tại phát triển mới tạo được việc làm cho người lao động”.
Trong nền kinh tế thị trường, LTT là một trong những công cụ để quản lý vĩ mô về tiền lương, chống nghèo đói, bóc lột lao động quá sức nên ILO sẽ tiếp tục trợ giúp Việt Nam trong lĩnh vực này. Cụ thể, đại diện ILO cho biết “sẽ tiếp tục làm việc cùng Bộ LĐTB&XH và HĐTLQG để rút ra những bài học từ hoạt động của HĐTLQG từ năm 2013.
Từ kinh nghiệm đó cũng như những thành công ban đầu của HĐTLQG, việc sửa đổi Bộ luật Lao động sắp tới có thể tạo cơ hội để cải thiện hơn nữa quá trình xác định mức tăng lương tối thiểu trong bối cảnh kinh tế - xã hội mới. ILO sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực cho các đối tác ba bên trong việc phân tích thị trường lao động, từ đó hỗ trợ các bên trong các phiên họp để thông qua mức lương tối thiểu”.
Mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 so với lương tối thiểu vùng năm trước như sau: Vùng 1 tăng thêm 250.000 đồng, tức tăng 7,1%; Vùng 2 tăng 220.000 đồng, tăng 7,1%; Vùng 3 tăng 200.000 đồng, tăng 7,4%; và Vùng 4 tăng 180.000 đồng, tăng 7,9%. Tính bình quân chung 4 vùng, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 được Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất là 213.000 đồng, tức tăng 7,3% so với năm 2016. |