Bài đầu: Bất hợp lý, chậm thay đổi
Kinh tế - Ngày đăng : 07:33, 11/08/2016
Để sản xuất ổn định, doanh nghiệp mía đường cần gắn kết chặt chẽ với các hộ trồng mía. Ảnh: Gia Lai |
Phương thức liên kết giữa các bên chưa phù hợp, chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân, trong khi chế tài điều chỉnh những bất hợp lý, chậm thay đổi. Mặt khác, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với chuỗi liên kết chưa đủ sức thu hút các DN tham gia vào mô hình này.
Hợp đồng không rõ ràng
Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Đức Thịnh nhận định: Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ sẽ góp phần thay đổi phương thức canh tác cũng như nhận thức của người dân, thúc đẩy sản xuất gắn với thị trường. Tuy nhiên, vướng mắc, bất đồng phát sinh ngay từ khâu thỏa thuận ban đầu do các quy định trong hợp đồng liên kết giữa DN và nông dân còn nhiều bất cập. Việc chia sẻ lợi ích giữa các bên nhiều khi chưa thỏa đáng dẫn đến tình trạng nông dân phá vỡ hợp đồng, gây giảm sút niềm tin lẫn nhau. Mô hình liên kết 4 nhà, nhất là liên kết giữa DN và nông dân chưa chặt chẽ do phương thức liên kết chưa phù hợp, việc quy định áp dụng các chế tài khi nông dân và DN vi phạm thỏa thuận chưa cụ thể nên gặp không ít khó khăn khi giải quyết các vấn đề phát sinh. Mặt khác, nhiều nông dân chưa quen sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình sản xuất hàng hóa mà chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt.
Về vấn đề này, ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) cho biết, Công ty đã liên kết với nông dân tiêu thụ sữa, nhưng vào mùa hè khi sản lượng sữa giảm, giá tăng, một số hộ chăn nuôi vì lợi nhuận đã bán sữa ra ngoài với giá cao hơn để thu lợi. Vào mùa đông tiêu thụ gặp khó, nông dân lại quay trở lại bán cho DN. Với những trường hợp này, Công ty sẽ không thu mua.
Ở điểm nhìn khác, theo ông Trần Xuân Long - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhiều DN chưa tích cực mua sản phẩm trực tiếp từ nông dân mà chủ yếu dựa vào thương lái. Vì vậy, quá trình thực hiện liên kết gặp phải tình trạng cả DN và nông dân đều gặp khó do nhiễu thông tin về giá. Cũng có một thực tế là, năng lực của đa số DN còn yếu cả về tài chính, cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển nên ảnh hưởng tới khả năng mở rộng và đầu tư liên kết xây dựng vùng nguyên liệu.
Cần đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân để có nhiều sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. |
Và nữa, theo Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường, thực hiện chuỗi liên kết trong chăn nuôi, thành phố đã xây dựng 21 chuỗi, nhưng do hợp đồng ký kết giữa DN và nông dân chưa rõ ràng, thiếu chế tài điều chỉnh những bất hợp lý phát sinh giữa DN và nông dân nên người nông dân luôn là đối tượng yếu thế, thua thiệt, nhất là những mô hình chăn nuôi gia công. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở, chị Nguyễn Thị Tình - hộ chăn nuôi ở Chương Mỹ cho biết, hiện một số hộ dân đã chuyển sang chăn nuôi gia công cho các công ty lớn. Tại đây, DN đầu tư vốn, con giống, người chăn nuôi chỉ chăm sóc và lấy công làm lãi, tuy nhiên có thời điểm nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá bán giảm, trong khi DN chỉ mua với giá ký trong hợp đồng, khiến nông dân chịu thiệt.
Bất cập từ cơ chế, chính sách
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết, liên kết sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi bước đầu hình thành vẫn mang tính tự phát. Nhà nước thiếu các chính sách hỗ trợ cụ thể, cần thiết cho các bên liên quan cũng như chưa hoàn chỉnh chế tài xử lý vi phạm khi các bên phá vỡ quan hệ liên kết nên cả DN và nông dân đều gặp phải không ít vấn đề. Thực tế, việc khởi kiện, áp dụng các biện pháp chế tài xử lý đối với nông dân vi phạm quy định của hợp đồng hầu như khó thực hiện.
Thừa nhận vẫn xảy ra tình trạng nông dân và DN có sự bất đồng trong việc thu mua sữa bò, nhưng theo Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng (Gia Lâm) Nguyễn Văn Hưng, việc xử phạt các hộ dân không chấp hành các điều khoản trong hợp đồng rất khó vì thói tùy tiện trong tổ chức sản xuất, chấp hành các quy định của nông dân còn khá phổ biến.
Trong khi đó, một số cơ chế chính sách được ban hành chưa thực sự đi vào cuộc sống nhất là cơ chế chính sách ưu đãi, bảo đảm thực hiện quyền và trách nhiệm của các bên tham gia liên kết. Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (Hải Dương) Tăng Xuân Trường cho biết, Công ty đang liên kết, ký hợp đồng với hơn 50 DN, các tổ chức, cá nhân ở Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình… để sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho DN kinh doanh sản xuất trong lĩnh vực hàng nông sản nhưng thực tế Công ty chưa được hưởng ưu đãi nào kể cả nguồn vốn vay.
Còn theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cộng đồng Green Food Hà Nội Trần Văn Chiến, Công ty đã liên kết với hộ dân để tiêu thụ sản phẩm, song Nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng cho các DN nên chưa phát huy được hiệu quả. Năm 2014, Công ty mở 5-10 cửa hàng bán thực phẩm, nhưng đến nay đều “chết yểu”. Nguyên nhân là do việc đầu tư cửa hàng bán thực phẩm phải có trang thiết bị chuyên dùng như tủ lạnh; tủ trữ đông; tủ bảo quản mát; tủ trưng bày, hệ thống máy tính, phần mềm theo dõi quản lý và cân chuyên dùng..., kinh phí đầu tư và duy trì bảo quản sản phẩm rất lớn (đầu tư ban đầu cho một cửa hàng tiện ích từ 100 đến 300 triệu đồng, chưa kể tiền thuê gian hàng) trong khi việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi khó khăn.
Đến nay cả nước có gần 300 chuỗi liên kết bán rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thủy sản. Tại Hà Nội hiện đã xây dựng được 60 chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ với các tỉnh, thành phố trong cả nước để cung cấp nông sản, thực phẩm có kiểm soát cho người tiêu dùng Thủ đô. |
(Còn nữa)