"Đầu ra" sản phẩm cơ khí: Vì sao vẫn bí?

Kinh tế - Ngày đăng : 07:50, 11/08/2016

(HNM) - Sản phẩm làm ra chỉ để trình diễn, không có

Không ít doanh nghiệp cơ khí đang bí “đầu ra” dù sản phẩm đạt chất lượng. Ảnh: Thanh Hải


Bất cập từ nhiều phía

Ông Đặng Văn Phương, kỹ sư phụ trách công nghệ Công ty cổ phần Lilama 69-3 (Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - Lilama) giới thiệu, ngoại trừ các bộ phận thủy lực, điều khiển phải nhập khẩu, các bộ phận còn lại cấu thành xe xúc bánh xích LX 2000 đều do các kỹ sư, công nhân Lilama 69-3 chế tạo. Nhưng dù là sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, xe xúc LX 2000 vẫn chỉ hoạt động trong phạm vi xưởng chế tạo của công ty. Việc sản phẩm làm ra chỉ để trình diễn, không có "đất" áp dụng cũng là vấn đề chung của nhiều doanh nghiệp cơ khí. Thậm chí, cả những sản phẩm tưởng như đơn giản như quạt công suất lớn trong các dự án xi măng cũng được nhập khẩu và doanh nghiệp chỉ biết trông chờ thị trường truyền thống đang ngày càng thu hẹp.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí (VAMI) Nguyễn Văn Thụ, bất cập lớn nhất của Ngành Cơ khí là thiếu đồng bộ trong quản lý và không có sự lồng ghép hiệu quả với các ngành công nghiệp khác. Các lĩnh vực công nghiệp là đầu ra của sản phẩm cơ khí nhưng nhiều chương trình, dự án vẫn nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu mà không sử dụng sản phẩm trong nước dù các doanh nghiệp đủ năng lực chế tạo. Nếu có tham gia, doanh nghiệp trong nước chỉ "đứng" với danh nghĩa thầu phụ. "Rõ ràng, việc phối hợp giữa các lĩnh vực công nghiệp và cơ khí chưa chặt chẽ, vì chỉ cần mỗi lĩnh vực có ba dự án cơ khí trọng điểm trở lên giao cho doanh nghiệp trong nước làm chủ, chắc chắn sẽ hình thành được Ngành Cơ khí chuyên sâu" - ông Nguyễn Văn Thụ nói.

Tuy nhiên, nhìn ngược lại, các doanh nghiệp cơ khí cũng chưa phát triển được những ngành mang tính mũi nhọn. Nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, điều kiện tài chính khó khăn, sản phẩm chủ yếu là gia công, giá trị kinh tế thấp, công nghệ lạc hậu, năng lực cạnh tranh yếu. Tổng Giám đốc Tổng công ty Lilama Lê Văn Tuấn cho rằng, nhiều doanh nghiệp cơ khí hiện chỉ chăm chăm chờ đợi chính sách ưu đãi của Nhà nước mà quên... tự nâng cao sức cạnh tranh, tự bứt phá. Nhiều doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp, chất lượng đơn hàng không đồng đều, khó giữ chân bạn hàng. Nhiều doanh nghiệp được đầu tư, sở hữu nguồn lực máy móc, thiết bị khá tốt nhưng không sử dụng, trong khi doanh nghiệp cần lại không có, dẫn đến lãng phí. Đáng chú ý, chính sách điều chuyển nguồn lực giữa các đơn vị có vốn Nhà nước chưa rõ ràng.

Quên "miếng bánh" sát sườn

Theo Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ, nhiều doanh nghiệp cơ khí mải chạy theo những thứ to tát mà quên những "miếng bánh" sát sườn. Chẳng hạn, dư địa để phát triển cơ khí nông nghiệp, nhất là hệ thống chăm sóc, chế biến sau thu hoạch rất lớn, hầu hết vẫn phải nhập khẩu, trong khi doanh nghiệp trong nước đủ sức chế tạo. Hoặc với lợi thế bờ biển dài, đáng lẽ Việt Nam phải có công nghiệp đóng tàu phát triển. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi tính chuyên môn hóa, phân công công việc và tính chuyên nghiệp rất cao. Theo Tổng Giám đốc Công ty Đóng tàu Vinashin Dung Quất Phan Tử Giang, mảng thiết kế đang được doanh nghiệp tập trung hơn, vì đây là khâu mang lại giá trị cao. Nếu chủ động khâu thiết kế, sẽ tối ưu hóa được phần gia công. Nói cách khác, thiết kế và gia công phải là một nhóm thì mới đủ lợi nhuận, tích lũy phát triển. Nếu không, mọi chi phí đổ hết vào mua sắm, thiết kế, lợi nhuận chỉ thu được từ phần gia công rất thấp.

Có thể thấy, các chính sách về phát triển cơ khí đã có, nhưng thiếu tính ổn định, lâu dài. Vì vậy, VAMI đã đề xuất, cần tiếp tục các cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm. Trong đó, cần tham khảo doanh nghiệp về danh mục sản phẩm cơ khí, không nhất thiết phải dàn trải ra 8 nhóm như trước đây. VAMI cũng đề nghị áp dụng chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ với toàn Ngành Cơ khí. Vì thực chất, phát triển Ngành Cơ khí theo hướng hiện đại hóa chính là chuyên môn hóa sâu, các doanh nghiệp phải hợp tác, hỗ trợ nhau...

Bên cạnh đó, theo Tổng Giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn, Nhà nước nên có chính sách chuyển giao thiết bị, dây chuyền, nhà xưởng từ doanh nghiệp không sử dụng sang doanh nghiệp có nhu cầu, theo hướng bổ sung như vốn chủ sở hữu, để thiết bị được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí. Tổng Giám đốc Lilama 69-1 Ngô Quốc Thịnh đề nghị, Chính phủ có cơ chế ưu đãi thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp cơ khí vốn đang chịu nhiều thiệt thòi, nhất là khi so với các doanh nghiệp FDI.

Xuân Thủy - Duy Tình