Phạt lỗi “vượt đèn vàng” là đúng luật và cần thiết!

Giao thông - Ngày đăng : 06:06, 12/08/2016

(HNM)- Những ngày qua, dư luận xã hội có nhiều ý kiến trái chiều về việc từ ngày 1-8-2016, lực lượng CSGT (CATP Hà Nội) bắt đầu thực hiện xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm các lỗi “vượt đèn vàng”, theo Nghị định (NĐ) 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ.



PV: Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2016, khiến nhiều người dân lo ngại vì sẽ bị xử phạt do lỗi “vượt đèn vàng”. Có ý kiến cho rằng, xử phạt lỗi này là không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ. Ông có ý kiến gì về quan điểm này?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Trước tiên phải khẳng định, đây là quan điểm không đúng. Bởi theo Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì người tham gia giao thông phải chấp hành các hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có đèn tín hiệu... Điều này có nghĩa người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của cả 3 đèn màu xanh - đỏ - vàng. Chế tài xử phạt trong NĐ 46 không phải là phạt lỗi “vượt đèn vàng”, mà là lỗi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”. Lỗi này trước đó đã được quy định trong NĐ 171 và NĐ 107 với mức phạt từ 100 nghìn đến 800 nghìn đồng đối với người điều khiển ô tô, mô tô và xe gắn máy. Để biết thế nào là lỗi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” cần tìm hiểu Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ: “Tín hiệu đèn giao thông có ba màu, quy định tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường”. Điểm mới của NĐ 46 là tăng mức phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông đối với người điều khiển ô tô, xe máy từ 300 nghìn đến 2 triệu đồng. Tôi nhắc lại, NĐ 46 không quy định cụ thể phạt riêng lỗi vượt đèn vàng, mà các hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” đều được xem xét, xử lý.

PV: Ông có thể giải thích rõ hơn, vì sao phải gộp chung hai hành vi với hai mức phạt khác nhau làm một?

Đại tá Đào Vịnh Thắng:
NĐ 171 và NĐ 107 ngoài mức phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông, còn có mức phạt nặng hơn đối với hành vi không dừng trước vạch dừng khi đèn tín hiệu giao thông đã chuyển sang màu đỏ, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng, nên người dân cứ nghĩ rằng vượt đèn vàng không bị phạt, cùng lắm là bị nhắc nhở. NĐ 46 không còn sự tách bạch này và cùng chung một mức xử phạt vì, nếu đã đi đến tim đường mà gặp đèn vàng thì được đi tiếp để thoát khỏi nút giao thông. Nhưng nếu mới đến vạch dừng đã gặp đèn vàng mà vẫn đi tiếp thì chắc chắn sẽ gặp đèn đỏ khi chưa qua hết nút giao thông. Như vậy, sẽ gây nguy hiểm cho cả bản thân và người tham gia giao thông khác.

PV: Vì mức phạt lỗi vượt đèn vàng ngang bằng mức phạt lỗi vượt đèn đỏ, lại thêm nhiều nút giao thông đã có đèn đếm lùi, nên nhiều người kiến nghị muốn bỏ đèn vàng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Bộ đèn tín hiệu giao thông có 3 màu xanh, đỏ, vàng đã được quy chuẩn trên thế giới. Cột đèn tín hiệu đầu tiên được lắp đặt tại Hà Nội trên sự hợp tác ứng dụng công nghệ từ Pháp. Ngay từ khi đó, đèn vàng được quy định là dự lệnh để người tham gia giao thông nhận biết đang chuẩn bị sang đèn đỏ, sẽ chuyển chiều đường cho phương tiện từ hướng khác di chuyển nên phải giảm tốc độ, dừng xe để tránh nguy hiểm. Hiện nhiều nút giao thông có thêm đèn đếm lùi là ứng dụng thêm khoa học kỹ thuật và thực tiễn để người dân nhìn vào đó có thêm sự chủ động nhưng vẫn còn nhiều nút chưa có đèn đếm lùi. Thực tế mà nói, hiệu lệnh đèn tín hiệu đã quy định trong luật, người tham gia giao thông phải tuân thủ.

PV: Trong các ý kiến ủng hộ việc xử phạt, vẫn có những băn khoăn cho rằng, hành vi vượt đèn vàng rất khó xác định bằng mắt. Điều này dễ dẫn đến những tranh cãi mà phần thua thiệt thường là về phía người điều khiển phương tiện. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?


Đại tá Đào Vịnh Thắng: Đã có quy định trong luật, đến ngã ba, ngã tư, đường cong, đường hẹp… là phải giảm tốc độ để quan sát biển báo, vạch sơn, người đi bộ… nên nếu phát hiện đèn vàng thì phải dừng trước vạch sơn. Nếu không dừng lại, đi tiếp sẽ gặp đèn đỏ, phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn. Người dân không phải băn khoăn, thắc mắc đi qua vạch dừng mới có đèn vàng thì có bị phạt không, nói và hiểu thế là không đúng. Cho nên việc này không cần tranh cãi. Nếu chấp hành đúng luật, người điều khiển giao thông phải dừng ở vạch sơn thứ nhất khi đèn tín hiệu chuyển màu vàng. NĐ 46 tăng nặng mức phạt đối với các hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu và hiệu lệnh của người chỉ huy giao thông là hoàn toàn phù hợp đáp ứng thực tiễn bảo đảm ATGT. Việc xử lý nghiêm các lỗi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông tương xứng với mức độ nguy hiểm, sẽ có tính chất răn đe và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Vì vậy, tôi cho rằng việc xử phạt này là đúng luật và cần thiết, vì sự an toàn của chính người tham gia giao thông...

PV: Cảm ơn ông!

Thùy Ngân