Bài cuối: Cần có một “nhạc trưởng”

Kinh tế - Ngày đăng : 05:45, 12/08/2016

(HNM) - Xây dựng chuỗi liên kết là nhiệm vụ quan trọng của Ngành Nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức báo động hiện nay. Và để làm được điều đó, trước hết cần có một

Công nhân Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền đóng gói sản phẩm thịt lợn. Ảnh: Linh Ngọc



Ràng buộc lợi ích và trách nhiệm

Theo ông Trần Xuân Long - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để triển khai thành công các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công tác chỉ đạo, tuyên truyền vận động, tổ chức triển khai của ngành chức năng, sự nỗ lực của chính quyền cùng người dân và DN phải rất đồng bộ trên tinh thần bảo đảm hài hòa quan hệ lợi ích của các bên. Vì vậy, để xây dựng liên kết thành công, cùng với việc tăng cường biện pháp hành chính, các ngành chức năng cần thực hiện theo nguyên tắc điều tiết của thị trường gắn lợi ích của các bên tham gia với phương châm chia sẻ rủi ro, trách nhiệm rõ ràng, hài hòa lợi ích. Đặc biệt là xây dựng chữ tín giữa các bên. Cũng theo ông Trần Xuân Long, xây dựng các mô hình liên kết cần lựa chọn quy mô phù hợp, có lộ trình để bảo đảm tính khả thi. Sau khi thành công mới mở rộng liên kết trên cơ sở định hướng và song hành với nó là các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho rằng, các DN, HTX cần liên kết đầu tư khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ với quy mô phù hợp từ nhỏ, vừa đến lớn để đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng. DN cần chia sẻ quyền lợi với các đối tác tham gia liên kết, nhất là các hộ dân, bên cạnh đó là công khai, minh bạch các chính sách, quy định trong việc phát triển chuỗi liên kết để người dân lựa chọn và giám sát.

Và để ràng buộc trách nhiệm giữa các bên, Chủ tịch Hội Chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn Nguyễn Văn Đông cho rằng, các DN và hộ dân khi liên kết với nhau phải ký kết bằng hợp đồng kinh tế rõ ràng. Theo đó, người dân phải nghiêm túc thực hiện các điều khoản hợp đồng như đã ký, không được bán sản phẩm ra ngoài khi giá lên cao. DN phải cam kết thu mua hết sản phẩm cho người dân vào vụ thu hoạch theo giá thị trường, thanh toán tiền đúng thời hạn; đồng thời, có chính sách hỗ trợ nhất định cho nông dân về chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng thị trường khi vào vụ sản xuất mới để cân đối cung - cầu.

Chính quyền địa phương phải vào cuộc


Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (Thường Tín) Bùi Quang Vinh đề nghị, Nhà nước tăng cường hỗ trợ về điều kiện sản xuất cho DN như: Đào tạo nâng cao kỹ thuật canh tác, cho vay vốn phát triển sản xuất với lãi suất thấp, thời hạn cho vay có thể giữ ở mức trung hạn. Thực tế, đầu tư vào nông nghiệp thường chịu rủi ro cao, vì vậy, ông Bùi Quang Vinh cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cụ thể về bảo hiểm, đất đai... để tạo hành lang pháp lý thông thoáng nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Chính sách hỗ trợ cần thực hiện theo nguyên tắc tập trung cho các mô hình liên kết chuỗi và hạn chế hỗ trợ trực tiếp cho các hộ đơn lẻ. Bên cạnh đó là làm tốt công tác tuyên truyền để người tiêu dùng nhận diện rõ về sản phẩm theo chuỗi khác với sản phẩm thông thường, từ đó thúc đẩy các mặt hàng trong chuỗi tiêu thụ với số lượng ổn định.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp, hiện chính quyền địa phương một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo, vận động nông dân tham gia chuỗi liên kết, trong khi sự phối hợp giữa các ngành chưa đồng bộ. Để xây dựng liên kết thành công cần có sự vào cuộc của chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức của người dân và tạo điều kiện cho DN tham gia liên kết. Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho rằng, Nhà nước cần ban hành quy định về xác nhận sản phẩm theo chuỗi để các tỉnh, thành phố dễ thực hiện; có chính sách cụ thể cho xây dựng mô hình chuỗi giúp triển khai có hiệu quả. Trước mắt, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho việc thành lập các liên kết sản xuất (hợp tác xã, tổ hợp tác xã…) để các đơn vị này trực tiếp thu mua và bán sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, bố trí kinh phí cho các địa phương thực hiện công tác giám sát sản phẩm mô hình theo chuỗi để truy xuất nguồn gốc, tránh xảy ra gian lận thương mại, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng.

Ngọc Quỳnh