Quản lý các dịch vụ thuê bên ngoài bệnh viện: Hàng loạt vấn đề "nóng"
Đời sống - Ngày đăng : 07:13, 13/08/2016
Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt các trường hợp xe đón trả khách sai quy định trước cổng Bệnh viện Việt - Đức. Ảnh: Tiến Nguyên |
Đấu thầu công khai, ưu tiên đơn vị uy tín
Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế tổ chức hội nghị về chủ đề này. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian qua, với những dịch vụ thuê bên ngoài như bảo vệ, trông xe, vận chuyển cứu thương, ăn uống, dịch vụ, quầy tiện ích, hỗ trợ chăm sóc dịch vụ thiết yếu hỗ trợ bệnh nhân… một số nơi chưa quản lý tốt. Đã có một số hiện tượng cá biệt xảy ra, đòi hỏi phải sớm chấn chỉnh.
“Điểm mặt” tất cả những vấn đề còn tồn tại liên quan công tác quản lý dịch vụ thuê bên ngoài vào bệnh viện khiến dư luận bức xúc, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đã đề xuất một số giải pháp khắc phục. Theo đó, cần tổ chức đấu thầu công khai, ưu tiên các đơn vị có uy tín, có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Trong quá trình ký kết hợp đồng với các đơn vị cung cấp dịch vụ, lãnh đạo bệnh viện cần giao cho các phòng, ban chức năng làm đầu mối quản lý, kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên. Đồng thời, chú trọng đào tạo kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho nhân viên cung cấp dịch vụ thuê khoán ngoài, thậm chí coi họ như một bộ phận của bệnh viện. Giải pháp về giám sát chất lượng dịch vụ được đặc biệt đề cao, thông qua việc công khai đường dây nóng, có phương án xử lý, chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp để người bệnh phàn nàn, hay tái phạm.
Nhiệm vụ quan trọng lúc này là phải nhanh chóng tiến hành nghiên cứu thực trạng dịch vụ thuê khoán ngoài, từ đó tiến hành xây dựng và ban hành hướng dẫn quản lý, tiến tới xây dựng hợp đồng mẫu đối với từng loại dịch vụ cũng như hệ thống thông tin quản lý dịch vụ thuê khoán ngoài.
Coi người bệnh là đối tượng phục vụ đặc biệt
Chia sẻ kinh nghiệm về việc cung cấp dịch vụ bảo vệ và xe taxi vận chuyển người bệnh cùng người nhà, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức Nguyễn Thị Bích Hường cho biết: Với tổng số 1.450 giường bệnh, lưu lượng hàng vạn người mỗi ngày ra vào bệnh viện ở khu vực phố cổ, tình hình trị an phức tạp, công tác bảo vệ cần hết sức quan tâm. Ngoài yêu cầu phẩm chất đạo đức, nhân viên phải có chứng chỉ huấn luyện nghiệp vụ và có chứng chỉ về kỹ năng giao tiếp. Bệnh viện Việt - Đức giữ vai trò chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, ban hành kế hoạch, nội quy, quy chế để quản lý.
Bàn về dịch vụ vận chuyển cấp cứu, vận chuyển người bệnh cần có sự theo dõi, chăm sóc y tế, đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ vận chuyển Hoàng Việt nêu một vấn đề, khiến nhiều người lưu tâm: “Thông thường, đối tượng vận chuyển được chia làm 2 nhóm: Nhóm 1 là các bệnh nhân cấp cứu và chuyển tuyến; nhóm 2 là bệnh nhân tuyến cuối chuyển về nhà.
Ngày 15-8 tới đây, Cục Quản lý khám chữa bệnh tiếp tục tổ chức hội nghị với chủ đề này tại TP Hồ Chí Minh. Sau khi thu nhận ý kiến và các bài học kinh nghiệm từ hai "đầu cầu", Bộ Y tế sẽ nghiên cứu ban hành quy chế Quản lý dịch vụ thuê khoán bên ngoài tại các bệnh viện. |
Theo quyết định của Bộ Y tế đang áp dụng quy định về danh mục thuốc cấp cứu, dịch vụ cấp cứu, thuốc thiết yếu và trang bị thiết yếu cho một kíp cấp cứu ngoại viện trên ô tô, với nhóm 1 là đúng về yêu cầu chuyên môn; còn nhóm 2, hầu như không sử dụng đến nên việc áp quy định chung khiến bệnh nhân nhóm 2 phải chịu giá vận chuyển cao là không cần thiết. Bộ Y tế nên có những danh mục mới dành riêng cho nhóm 2 phù hợp hơn, hướng tới giảm chi phí vận chuyển cho người bệnh”.
Có rất nhiều bài học quý như kinh nghiệm về quản lý dịch vụ thuê ngoài của Bệnh viện Bạch Mai do Phó Giám đốc Nguyễn Ngọc Hiền chia sẻ, bao gồm tập huấn, đào tạo cho nhân viên dịch vụ 6 tháng/lần, sử dụng hệ thống chấm công bằng vân tay, quản lý chặt chẽ thời gian và số lượng công nhân vào làm việc tại bệnh viện…
Như vậy, tại hội nghị đặc biệt lần đầu tiên được tổ chức này, hàng loạt vấn đề đã được đưa ra, tìm giải pháp tháo gỡ. Suy cho cùng, chỉ có thể nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh nếu bệnh viện thấm nhuần quan điểm "Lương y như từ mẫu"; cả bệnh viện và đơn vị cung cấp dịch vụ đều coi người bệnh là đối tượng phục vụ đặc biệt.