Ngành Tài nguyên và Môi trường: Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra
Đời sống - Ngày đăng : 08:09, 13/08/2016
Cơ quan chức năng kiểm tra địa điểm chôn lấp rác thải của Công ty Formosa. |
Chánh Thanh tra Bộ TN-MT Lê Quốc Trung cho biết, 6 tháng đầu năm nay, ngành đã xử phạt vi phạm hành chính 145 tổ chức với số tiền hơn 27 tỷ đồng. Qua đây đã phát hiện, xử lý hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, đối với sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung, ngay sau khi có thông tin, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương liên quan kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm của Công ty Formosa Hà Tĩnh để xử lý theo quy định của pháp luật.
Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được Bộ TN-MT quan tâm. Trong 6 tháng, Bộ đã tiếp 310 lượt công dân với hơn 600 lượt người. Các công dân đều được giải thích, hướng dẫn theo quy định của pháp luật. Bộ đã nhận được 1.631 lượt đơn chủ yếu về tranh chấp đất đai (chiếm 97%), tuy nhiên có 842 đơn trùng nên số đơn thư đủ điều kiện xử lý là 789 đơn, trong đó có gần 700 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương (chiếm 89%). Bộ đã thẩm định, xác minh để giải quyết theo thẩm quyền 24/30 vụ việc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ 15/21 vụ việc. Bộ đã rà soát giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài; bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công dân, góp phần ổn định và bảo đảm an ninh, trật tự xã hội của địa phương.
Tại Hà Nội, trong thời gian qua công tác này cũng đã có nhiều đổi mới. Theo ông Lê Tuấn Định, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, nhằm giảm nhũng nhiễu, phiền hà đối với người dân, từ cuối tháng 4-2016, Văn phòng đã công khai email, điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo để tiếp nhận phản ánh từ người dân, đã nói không với việc "bôi trơn", qua đó kiên quyết xử lý nghiêm đối với những cán bộ làm chưa đúng trách nhiệm. Trước đó, các thủ tục hành chính cũng được cắt giảm, nhằm gỡ vướng cho người dân đến làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
Thời gian tới, để làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành TN-MT, nhiều chuyên gia cũng thống nhất đề nghị Bộ TN-MT tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế, chính sách về Luật TN-MT; tăng cường phối hợp giữa bộ và các địa phương trong việc xây dựng cũng như thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả cao trong toàn ngành; tăng cường trang, thiết bị, cơ sở vật chất cho tổ chức thanh tra để đáp ứng nhiệm vụ được giao. Đối với các Sở TN-MT các tỉnh, thành phố, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ và người dân trong lĩnh vực này…
Cũng về vấn đề này, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đã yêu cầu Thanh tra Bộ phối hợp với thanh tra của các đơn vị rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra, khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng việc chấp hành pháp luật về môi trường và tài nguyên nước của các cơ sở có nguồn xả thải lớn ra sông, biển và các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên phạm vi cả nước. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định kết quả thanh tra, bảo đảm khách quan, chất lượng; tăng cường kiểm tra đôn đốc thực hiện nghiêm các kết luận và quyết định xử lý về thanh tra...