Các đô thị vệ tinh sẽ tham gia tích cực vào phát triển Hà Nội theo đúng định hướng
Xã hội - Ngày đăng : 05:58, 14/08/2016
Đây là mô hình đô thị khá phổ biến tại các khu vực đô thị trung tâm lớn (Metropolitan) trên thế giới. Tuy nhiên, tròn 5 năm trôi qua, hình dáng 5 ĐTVT ở Hà Nội vẫn chưa nổi rõ trong thực tế. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Bùi Xuân Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội về câu chuyện này.
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Bùi Xuân Tùng. Ảnh: Viết Thành |
Đã phê duyệt quy hoạch 4/5 đô thị vệ tinh
- Mô hình ĐTVT khá phổ biến tại các thành phố lớn như London (Anh), Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc), Toronto (Canada), Seoul (Hàn Quốc), Kuala Lumpur (Malaysia)… Với Hà Nội, mô hình ĐTVT được xác định như thế nào, thưa ông?
- Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình “chùm” đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 ĐTVT. Đô thị trung tâm là khu vực nội đô hiện tại được phát triển mở rộng về phía Tây, Nam đến đường Vành đai 4; về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông với khu vực Gia Lâm và Long Biên; phân cách với các ĐTVT và thị trấn bằng hành lang xanh, chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của thành phố. 5 ĐTVT của thành phố gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Mỗi ĐTVT có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với khu vực đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ…
- Quy hoạch chung đã phê duyệt 5 năm, vậy hiện nay, việc quy hoạch các ĐTVT được thực hiện đến đâu?
- Đến nay, 4/5 ĐTVT đã được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chung là Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. ĐTVT Hòa Lạc đang thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
- Ông có thể giới thiệu nội dung chính của các đồ án quy hoạch ĐTVT cũng như chức năng hỗ trợ, chia sẻ với đô thị trung tâm?
- Trước hết, các đồ án quy hoạch chung ĐTVT cụ thể hóa nội dung của Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, với các nội dung chính: Phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên và hiện trạng về kinh tế - xã hội; dân số, lao động; sử dụng đất đai; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, môi trường; xác định tính chất, mục tiêu, động lực phát triển, quy mô dân số, lao động, các chỉ tiêu đất đai, hạ tầng của đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của từng giai đoạn 10, 20, 25 năm. Từ đó, định hướng phát triển không gian đô thị; đề xuất các hạng mục ưu tiên đầu tư phát triển và nguồn lực thực hiện… Một điểm rất quan trọng của đồ án quy hoạch là phân tích và làm rõ các cơ sở hình thành, phát triển của ĐTVT; các dự án có tính chất tạo động lực hình thành và mô hình quản lý phát triển ĐTVT. Chức năng chính của ĐTVT Hòa Lạc là khoa học - công nghệ và đào tạo; của Sơn Tây là đô thị văn hóa - lịch sử, du lịch - nghỉ dưỡng; của Xuân Mai là đô thị dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ; của Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa; của Sóc Sơn là đô thị phát triển về công nghiệp sạch, dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, trung tâm y tế, khu đại học tập trung.
Liên kết, hỗ trợ, chia sẻ để tạo động lực phát triển
- Như vậy, để cụ thể hóa đồ án quy hoạch các ĐTVT, công việc tiếp theo là gì?
- Sau khi các đồ án quy hoạch ĐTVT được phê duyệt, UBND thành phố đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị cho ĐTVT Sơn Tây, Phú Xuyên, Sóc Sơn… Các đồ án quy hoạch ĐTVT là bước cụ thể hóa đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thì quy hoạch phân khu đô thị là chi tiết hóa quy hoạch ĐTVT. Từ các định hướng của quy hoạch ĐTVT, các sở, ngành, các cơ quan liên quan sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện trên từng lĩnh vực của mình, ví dụ Ngành Giao thông - Vận tải có kế hoạch đầu tư hạ tầng kết nối ĐTVT với đô thị trung tâm; Ngành Giáo dục - Đào tạo có kế hoạch đầu tư cơ sở giáo dục đã được xác định tại các ĐTVT, Ngành Xây dựng có kế hoạch phát triển đô thị…
- Nhiều đồ án quy hoạch sau khi phê duyệt phải mất nhiều thời gian mới “nổi rõ” trong thực tế; và cũng không ít đồ án quy hoạch “treo” gây khó khăn cho cuộc sống người dân. Vậy, phải làm gì để quy hoạch ĐTVT không rơi vào câu chuyện này?
- Một yêu cầu đặt ra khi nghiên cứu quy hoạch ĐTVT là xác định động lực phát triển của các ĐTVT. Cụ thể ở đây là việc khai thác tiềm năng thu hút đầu tư; tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nhà ở, dịch vụ,… đáp ứng nhu cầu sống tốt hơn; là khả năng kết nối hạ tầng giao thông, chia sẻ chức năng với đô thị trung tâm. Trong quy hoạch đô thị và thực tiễn, động lực để phát triển các ĐTVT không chỉ là khu vực đô thị trung tâm lớn, mà còn là các thành phố lân cận ở xung quanh nó. Chẳng hạn, TP Việt Trì (Phú Thọ) và Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) với ĐTVT Sơn Tây; TP Thái Nguyên và Bắc Ninh đối với ĐTVT Sóc Sơn; hay Phủ Lý (Hà Nam), Hưng Yên đối với ĐTVT Phú Xuyên… Động lực để phát triển các ĐTVT còn là việc phát huy thế mạnh của đô thị nhỏ, hướng tới tiêu chuẩn đô thị cao hơn, có tính hấp dẫn và cạnh tranh hơn khu vực đô thị trung tâm, chứ không bị động và phụ thuộc vào nó.
- Vậy, bao lâu nữa chúng ta hình thành được các ĐTVT? Từ khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt đến nay cũng đã tròn 5 năm rồi?
- Như đã nói, đồ án quy hoạch là những định hướng chung, để hình thành được ĐTVT cần phải làm nhiều việc, có sự tham gia của các ngành, các cấp, phụ thuộc vào các kế hoạch phát triển đô thị. Chẳng hạn như việc phải có hạ tầng kết nối ĐTVT với đô thị trung tâm và các đô thị khác. Nguyên tắc đã xác định trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là kết nối đô thị trung tâm với 5 ĐTVT bằng các tuyến giao thông chính, kết hợp hệ thống vận tải hành khách công cộng, như: Xe buýt nhanh, đường sắt đô thị nhưng đến nay vẫn chưa có tuyến đường sắt đô thị nào ở Hà Nội được đưa vào sử dụng. Thực tế, các dự án hạ tầng đô thị liên kết để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm và các thành phố lân cận, có tính chất tạo động lực phát triển tại mỗi ĐTVT. Tất nhiên, những dự án này đòi hỏi có sự tác động và điều tiết của Nhà nước. Thời gian gần đây, thành phố đã hoàn thành nhiều dự án hạ tầng quan trọng, có tính chất kết nối, mở rộng đô thị, như: Đại lộ Thăng Long, đường Nhật Tân - Nội Bài, Vành đai 3, cầu Nhật Tân… Hay những dự án hạ tầng kết nối với khu vực, như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình… Theo quy hoạch, Sóc Sơn kết nối với đô thị trung tâm qua quốc lộ 3, đường Thăng Long - Nội Bài và Nhật Tân - Nội Bài. Đô thị Hòa Lạc gắn kết với đô thị trung tâm bằng Đại lộ Thăng Long và trục hồ Tây - Ba Vì. Xuân Mai kết nối đô thị trung tâm với các tỉnh miền núi Tây Bắc qua hành lang quốc lộ 6 và Nam quốc lộ 6. Phú Xuyên kết nối với đô thị trung tâm qua hành lang kinh tế Bắc Nam - quốc lộ 1A. Có những dự án chúng ta đã thực hiện nhưng cũng có những dự án phải làm tiếp trong thời gian tới.
- Như ông vừa nói động lực của ĐTVT là tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nhà ở, dịch vụ,… đáp ứng nhu cầu sống tốt hơn; là khả năng kết nối hạ tầng giao thông, chia sẻ chức năng với đô thị trung tâm. Vấn đề này có được đề cập trong quy hoạch ĐTVT?
- Trong các đồ án quy hoạch ĐTVT được phê duyệt đã có định hướng cụ thể. ĐTVT Sóc Sơn, ngoài tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng, hành lang kinh tế xuyên Á, Cảng hàng không… sẽ phát triển khu công nghiệp sạch, trung tâm y tế, khu đại học tập trung để chia sẻ cho đô thị trung tâm. Tương tự, ĐTVT Hòa Lạc có cơ sở trọng tâm đầu tư là Đại học Quốc gia Hà Nội; ĐTVT Xuân Mai là đô thị dịch vụ - công nghiệp, đào tạo đại học, cao đẳng… ĐTVT Phú Xuyên sẽ xây dựng các khu, cụm công nghiệp để di dời cơ sở công nghiệp từ nội đô, khu vực Hà Tây (cũ); hình thành các trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa, các khu nhà ở công nhân và các tiện ích đô thị khác, như y tế chất lượng cao, đào tạo nghề… Một trong những mục tiêu khi hình thành và phát triển ĐTVT là thu hút sự dịch chuyển dân số đến học tập, làm việc, sinh sống.
- Nhưng trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định về biện pháp, lộ trình di dời cơ sở ô nhiễm, trường đại học, bệnh viện… ra khỏi nội đô và kết quả đạt được khá khiêm tốn. Khi hình thành các ĐTVT liệu khả năng giải quyết các vấn đề này có cải thiện nhiều hơn không, thưa ông?
- Việc di dời và sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội là một quá trình phức tạp, đa ngành, đa lĩnh vực. Do vậy, từ chủ trương đến giải pháp đòi hỏi sự tích hợp cao và vai trò của Chính phủ có ý nghĩa quyết định. Để Hà Nội đạt được mục tiêu trở thành thành phố xanh - văn minh - văn hiến - hiện đại trong tương lai thì chính các ĐTVT cần hướng tới mục tiêu này ở mức độ cao hơn, nhưng tôi tin chắc là các ĐTVT sẽ tham gia tích cực vào phát triển Hà Nội theo đúng định hướng này.
Thực hiện nhiệm vụ tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị; thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo. Đến nay, Tổ công tác đã làm việc với 12 quận, rà soát, đối chiếu các quy hoạch được duyệt và cung cấp đầy đủ thông tin quy hoạch cho 117/117 cơ sở, tại 11 quận theo danh mục do Ban Chỉ đạo đề xuất. Đồng thời, đề xuất biện pháp, phương thức, cơ chế và lộ trình di dời.
Căn cứ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch chung các ĐTVT, quy hoạch phân khu đô thị được duyệt và căn cứ tính chất, quy mô, loại hình sản xuất của các cơ sở công nghiệp, thành phố sẽ thống nhất đề xuất địa điểm mới; trong đó, dự kiến có khoảng 138 cụm công nghiệp. ĐTVT Hòa Lạc dành 200ha, Sóc Sơn 100ha, Phú Xuyên 200ha, Sơn Tây 50ha để bố trí cơ sở y tế. Về cơ sở giáo dục, khu vực đại học Hòa Lạc có quy mô 1.100 - 1.200ha, với 120.000 - 150.000 sinh viên; khu đại học Sóc Sơn quy mô 600 - 650ha, với 80.000 - 100.000 sinh viên. Khi hình thành các khu đại học tại đây sẽ giảm tải cho đô thị trung tâm.
- Quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất, trường học, trụ sở ra khỏi khu vực nội đô sử dụng vào mục đích gì, thưa ông?
- Quỹ đất sau khi di dời ưu tiên phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch; đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho đơn vị di dời. Đối với những công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc, thực hiện bảo tồn, phục chế theo quy định của Luật Di sản văn hóa, ưu tiên sử dụng các công trình này cho các mục đích công cộng.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!