Để chấm dứt cảnh "chẳng biết đằng nào mà lần"...
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 14/08/2016
Không chỉ hữu ích với người tiêu dùng, những lợi ích của công cụ này đối với cơ quan quản lý, đặc biệt là với phía sản xuất (nông hộ, chủ trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp) là không phải bàn cãi. Dù vậy, để công cụ này phát huy hiệu quả thực tế, rất nhiều vấn đề phải giải quyết.
Trước hết, có thể thấy một căn bệnh trầm kha của Ngành Nông nghiệp là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và công nghệ lạc hậu. Chưa sản xuất đại trà theo hướng hàng hóa, đáp ứng các tiêu chí chung thì chưa thể có được nông sản, thực phẩm có thương hiệu hoặc dễ dàng nhận diện. Chính vì thế, vấn đề căn cốt là từng bước tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và quyết tâm tổ chức lại một cách hiệu quả. Ở góc độ quản lý nhà nước, "cuộc chiến" chống thực phẩm bẩn vẫn phải được tiếp tục quyết liệt đẩy mạnh. Trong đó, người sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn phải được bảo vệ bằng những giải pháp hữu hiệu hơn, tránh tình cảnh "vàng thau lẫn lộn". Đồng thời, mọi hành vi sản xuất, phân phối thực phẩm bẩn đều phải bị nghiêm trị.
Với riêng hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho cơ sở sản xuất và nông sản thực phẩm an toàn, cần đẩy mạnh truyền thông để người sản xuất, người tiêu dùng được biết đến rộng rãi. Mặt khác, quá trình thẩm định người/cơ sở sản xuất, nông sản thực phẩm tham gia - tức là được phép hiện diện trên hệ thống - phải bảo đảm chặt chẽ.
Trong bối cảnh chưa khi nào vấn nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm gây bất an như hiện nay, mà hệ lụy là "chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa ngắn đến thế", mỗi một giải pháp góp phần ngăn chặn thực phẩm bẩn đều có ý nghĩa quan trọng. Hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho cơ sở sản xuất và nông sản thực phẩm an toàn mang đến cho người tiêu dùng thêm một công cụ hữu ích. Song rõ ràng công cụ này mới chỉ là một trong những "điều kiện cần".
Để chấm dứt cảnh "chẳng biết đằng nào mà lần!"; để công cụ, giải pháp này thực sự trở thành một trong những phương tiện để người tiêu dùng "nói không với thực phẩm bẩn", thì phải cần thêm các "điều kiện đủ". Đó là sẵn sàng khắc phục các bất cập có thể phát sinh của hệ thống trên, đồng thời triển khai đồng bộ hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử nói trên cùng với những giải pháp quản lý nhà nước và của Ngành Nông nghiệp nói chung. Và quan trọng hơn là sau khi truy xuất rõ rồi - nếu phát hiện ra hàng hóa gian dối, không bảo đảm chất lượng như chào bán - thì ứng xử thế nào? Câu hỏi đó, cả người quản lý và người tiêu dùng cần phải có lời giải bằng những biện pháp cụ thể hơn.