Việc làm cấp bách
Xã hội - Ngày đăng : 06:17, 14/08/2016
Động thái mới đây nhất của câu chuyện này là việc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội triển khai hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho cơ sở sản xuất và nông sản thực phẩm an toàn.
Người tiêu dùng thường đến siêu thị để tìm mua thực phẩm an toàn. |
Nhu cầu bức thiết của xã hội
Chị Nguyễn Thị Dung, ở quận Hà Đông cho biết, rau, củ, quả tại các siêu thị, nhất là ở cửa hàng rau an toàn thường có giá cao hơn so với chợ truyền thống khoảng 1,5 - 3 lần. Thời gian gần đây, trên địa bàn quận đã xuất hiện nhiều cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch, tuy nhiên, bên cạnh một số dòng sản phẩm có nguồn gốc thông tin rõ ràng vẫn còn nhiều sản phẩm chỉ có thông tin về chủng loại, hạn sử dụng mà không có thông tin về nơi nuôi, cơ sở chế biến, nguồn gốc. Vì vậy, người tiêu dùng chỉ còn biết đặt niềm tin vào các cửa hàng dù trong lòng nhiều ít băn khoăn.
Theo kết quả điều tra năm 2016 của Trung tâm Nông nghiệp thông minh Việt - Nhật tại Hà Nội, chỉ có 30% số người được hỏi cho rằng rau trên thị trường là an toàn, 70% còn lại tỏ ra nghi ngờ, bởi không rõ nguồn gốc. Đặc biệt là có tới 36% số người cho biết sẽ mua sản phẩm ngay nếu biết rõ nguồn gốc và sẵn sàng trả thêm tiền để mua được thực phẩm thực sự an toàn.
Ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp thông minh Việt - Nhật cho rằng: Trước khi trả tiền mua thực phẩm với giá cao, người ta phải được biết sản xuất như thế nào, tại sao phải mua với giá cao hơn. Vì vậy cần tạo sự minh bạch để thu hút niềm tin của người tiêu dùng. Còn bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng ban Vận động thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch nhận định: Việc minh bạch thông tin cho thực phẩm sạch không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng mà còn bảo vệ lợi ích cho những cơ sở kinh doanh thực phẩm làm ăn chân chính, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Đồng quan điểm này, ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc Chuỗi thực phẩm an toàn Bác Tôm bày tỏ: Doanh nghiệp rất muốn tham gia vào các hiệp hội sản xuất thực phẩm minh bạch vì khi đó, người tiêu dùng chỉ cần sử dụng điện thoại di động là có thể truy xuất được nguồn gốc nông sản từ khâu sản xuất tới chế biến.
Như vậy có thể thấy, nhu cầu bán hàng "chuẩn", mua hàng "chuẩn" là rất khách quan của tất cả những khâu liên quan: người sản xuất, người cung cấp, người mua...
Sử dụng smartphone để truy xuất nguồn gốc
Nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản thực phẩm và giúp người tiêu dùng truy xuất được đầy đủ thông tin về sản phẩm, nơi sản xuất, hiệu lực, chứng nhận chất lượng sản phẩm… mới đây, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã triển khai hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho cơ sở sản xuất và nông sản thực phẩm an toàn. Đây là dự án được đơn vị lên ý tưởng và bắt tay vào thực hiện từ hơn một năm nay nhằm đáp ứng nhu cầu minh bạch thông tin sản phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.
Theo đó, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh (smartphone) chạy hệ điều hành IOS hoặc Android, người tiêu dùng có thể quét mã QR code trên sản phẩm để tra cứu thông tin chi tiết về sản phẩm, cơ sở sản xuất và cơ sở phân phối. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng thấy được các giấy tờ chứng nhận liên quan đến sản phẩm thông qua ứng dụng này và phản hồi ý kiến tới cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Phần mềm này được thiết kế dành cho 3 đối tượng là nhà quản lý, nhà doanh nghiệp (bao gồm cả cơ sở sản xuất và cơ sở phân phối) và người tiêu dùng. Các dòng sản phẩm khi được đưa lên hệ thống thông tin này đều là những sản phẩm an toàn, rõ xuất xứ nguồn gốc của Hà Nội và các tỉnh, thành phố được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội...
Ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho hay, việc ứng dụng hệ thống này sẽ giúp minh bạch thông tin sản phẩm, tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố và các hội tiêu dùng tổ chức tập huấn cho người tiêu dùng về cách sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Dự kiến, ban đầu sẽ có 5 doanh nghiệp tham gia thí điểm với 350 dòng sản phẩm nông sản thực phẩm được ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, trong đó có 150 sản phẩm của Hà Nội và 200 sản phẩm của các tỉnh, thành phố phân phối tại Hà Nội. Nếu thực hiện thí điểm thành công, dự kiến cuối năm 2016, chương trình sẽ bổ sung, khắc phục hạn chế thông qua triển khai thực tế và đánh giá hiệu quả thực hiện thí điểm để có thể áp dụng nhân rộng công nghệ này...
Hy vọng dự án sẽ đi vào thực tiễn hiệu quả, góp phần tích cực xây dựng niềm tin của người tiêu dùng về thị trường nông sản an toàn của Hà Nội, đồng thời thúc đẩy quá trình sản xuất sạch, tiêu dùng văn minh mang lại lợi ích cho cả cộng đồng. Sâu xa hơn, nó còn là một mô hình đáng để nhân rộng trên quy mô toàn quốc.