Phóng sự tố cáo tác hại chất độc da cam được đề cử Giải thưởng Emmy

Đời sống - Ngày đăng : 07:42, 14/08/2016

Với PS “Việt Nam–Long Thành muốn cười”, nhà báo Philipp Abresch, Trưởng cơ quan thường trú ĐTH Đức ARD ở Singapore đã được đề cử một Giải Emmy.


Với phóng sự “Việt Nam – Long Thành muốn cười”, nhà báo Philipp Abresch, Trưởng cơ quan thường trú ĐTH Đức ARD ở Singapore đã được đề cử một Giải Emmy trong Giải thưởng Emmy Quốc tế về tin tức (International Emmy News Awards). Lễ trao giải sẽ được tiến hành vào ngày 21/9 tới, tại New York.

Trong phóng sự của mình, Philipp Abresch đã tố cáo tác hại của chất độc da cam, nêu bật nỗi đau khổ của những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, cho dù cuộc chiến tranh đã kết thúc cách đây hơn 40 năm.


Nhân vật chính của phóng sự, Long Thành.


Nhân vật chính là Long Thành, một thiếu niên ở tuổi 15, nhưng cơ thể nhỏ bé như một đứa trẻ lên ba. Long Thành và anh trai mình, Long Vũ, 17 tuổi đã bị tàn tật từ khi ra đời, hậu quả của chất độc da cam mà Mỹ đã rải xuống rất nhiều ở miền Nam Việt Nam.

Abresch gặp Long Thành lần đầu tiên, khi ông làm phóng sự về du lịch cho chương trình “Weltspiegel” (Tấm gương thế giới). Phóng sự này đã làm khán giả xúc động và quyên góp rất nhiều. Trước sự quan tâm của khán giả, Philipp Abresch và đội làm phim của mình một lần nữa đến với Long Thành và gia đình em. Một phóng sự gây ấn tượng mạnh và thôi thúc khán giả đã hình thành.

Kể từ khi ra đời, Long Thành và anh trai đã bị tật nguyền rất nặng. Việc cử động rất khó, việc thở cũng vậy. Cơ và xương đều đau. Long Thành không phải là ông già, em mới 15 tuổi, nhưng là nạn nhân của một cuộc chiến tranh đã qua đi từ lâu.

Kẻ thù vô hình của em là chất độc da cam. Loại thuốc diệt cỏ mà Mỹ rải xuống rất nhiều ở các khu rừng Việt Nam. Lá cây rụng xuống, nhưng chất cực độc dioxin còn lại trong đất và trong nước với hậu quả khủng khiếp cho tới ngày nay.


Hai anh em Long Thành - Long Vũ, nạn nhân của chất độc da cam.


Cuộc chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm. Ba triệu người Việt Nam bị bệnh vì hậu quả của khoảng 80 triệu lít chất độc da cam Mỹ rải xuống Việt Nam. Kể từ khi chiến tranh kết thúc, 150.000 trẻ em ra đời đã dị tật bẩm sinh.

Trong nhiều năm trời, Việt Nam đã kêu gọi giúp đỡ. Mỹ thường xuyên tỏ ý nghi ngờ, phủ nhận và bác bỏ. Cho tới nay, Chính phủ Mỹ vẫn không thừa nhận mối liên quan trực tiếp giữa chất độc da cam và những đứa trẻ tật nguyền.

Long Thành và anh trai cũng tật nguyền phải được chăm sóc thường xuyên. Họ không thể tự mình mặc quần áo, không thể tự ăn cơm. Họ không thể tới trường học. Từ khi sinh ra hai đứa trẻ đã bị tật nguyền do cha mình là anh Trần Nhật Linh bị phơi nhiễm chất độc da cam có chứa dioxin.

Cuộc sống của gia đình không đơn giản, nhưng họ vẫn giữ được niềm tin một cách đáng kinh ngạc. Và bất chấp số phận khắc nghiệt, Long Thành vẫn tò mò, có bạn bè, muốn có nhiều hơn từ cuộc sống so với hiện nay.

Tác giả đã cũng cha con Long Thành đi tàu hỏa tới Đà Nẵng, nơi anh Linh bị phơi nhiễm chất độc da cam trước đây.

Tác giả cũng tới bệnh viện Từ Dũ ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có 60 trẻ em tật nguyền, nạn nhân chất độc da cam được nuôi dưỡng, chăm sóc. Nơi có lưu giữ những bào thai dị dạng, những đứa trẻ chết lưu, bằng chứng rõ ràng về tác hại của chất độc da cam – dioxin.

Đến thăm gia đình Long Thành lần này, nhà báo Philipp Abresch đã mang theo quà tặng của những nhà hảo tâm Đức. Với số tiền quyên góp, gia đình Long Thành giờ đây có thể mua được một con bò, với hy vọng con bò có thể giúp cho gia đình một cuộc sống đỡ khó khăn hơn về vật chất, nhưng những cơn đau hành hạ hai đứa trẻ tật nguyền vì chất độc da cam thì không ai có thể làm dịu được.

Tháng 6/2016, nhà quay phim Wolfgang Schick của đài truyền hình NDR đã được trao Giải Điện ảnh Đức, thể loại “Format ngắn báo chí” cho phóng sự này. Trước đó, phóng sự “Việt Nam – Long Thành muốn cười” đã được đề cử Giải Grimme cho thể loại “Thông tin”./.

Theo Văn Long/VOV