Cú đánh vào nền kinh tế Thái Lan

Thế giới - Ngày đăng : 06:26, 15/08/2016

(HNM) - Từ chỗ được xem như một trong những vùng đất hấp dẫn nhất về du lịch và mua sắm tại Đông Nam Á, những cuộc đảo chính, khủng hoảng chính trị kéo dài và bạo lực gây rối đã biến Thái Lan trở thành điểm



Các vụ đánh bom tại Thái Lan ảnh hưởng nghiêm trọng tới Ngành Du lịch nước này.


Ngày 14-8, Cảnh sát Thái Lan khẳng định "đã rõ kẻ đứng sau" loạt vụ đánh bom vào giữa tuần trước làm rung chuyển các khu nghỉ dưỡng và khu du lịch nổi tiếng ở miền Nam nước này. Một lần nữa, Phó Phát ngôn viên Cảnh sát Piyapan Pingmuang nhấn mạnh, đây là hành động phá hoại ở cấp địa phương, chứ không phải khủng bố. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền Bangkok đang cố gắng làm nhẹ mức độ nghiêm trọng của các vụ nổ bom liên hoàn nhằm trấn an dư luận và cứu vãn Ngành Du lịch, vốn là "quân bài" chủ lực của nền kinh tế.

Hiện tại, có rất nhiều nghi vấn về hung thủ gây ra loạt vụ đánh bom. Trong đó, hướng tập trung nhiều nhất là phong trào đòi ly khai ở miền Nam nước này. Đây là một nhóm các phần tử Hồi giáo cực đoan nổi loạn đòi thành lập một nhà nước Hồi giáo ly khai và đã từng tuyên bố sẽ tấn công vào các trung tâm của Phật giáo, trong đó có thủ đô Bangkok. Từ năm 2001 đến nay, các tay súng của lực lượng này đã thực hiện không ít vụ đánh bom và xung đột, khiến 1.200 người thiệt mạng.

Thế nhưng, không ít người lo ngại các vụ đánh bom có thể là một bước trong kế hoạch đối đầu chính trị mới để tranh giành quyền lực ở Thái Lan. Chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã cam kết thúc đẩy hòa giải với các đối thủ chính trị. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trên thực tế đảng Pheu Thai, đại diện “Phe Áo đỏ”, của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã lần lượt bị tước quyền bầu cử một cách có hệ thống. Chính phủ và tòa án vẫn chưa có phán quyết nào có lợi đối với chính đảng này. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến căng thẳng giữa “Phe Áo đỏ” và Chính phủ cầm quyền gia tăng là cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp mới vừa được tiến hành, theo đó tăng thêm quyền lực cho quân đội đối với nền chính trị của Thái Lan về lâu dài.

Theo các nhà phân tích, dù thủ phạm loạt vụ đánh bom là ai thì chúng đều biết rằng vụ nổ sẽ gây thương vong cho cả người dân lẫn du khách, đồng thời là một cú đánh vào nền kinh tế đang chật vật của Thái Lan mà du lịch là một mũi nhọn. Nguồn thu từ lĩnh vực này đối với nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á càng trở nên quan trọng hơn khi Thái Lan đang đối mặt với tình hình xuất khẩu yếu, sản xuất và chỉ số bán lẻ sụt giảm. Thống kê cho thấy, sau nhiều năm tăng trưởng ấn tượng, từ năm 2015, kinh tế Thái Lan đã xuống dốc đáng kể, nợ hộ gia đình tăng cao và lòng tin của người tiêu dùng thấp. Tổng mức đầu tư mà các công ty nước ngoài rót vào nước này giảm 78% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng đầu tư từ Nhật Bản, giảm tới 81%, trong khi đây là nhà đầu tư lớn nhất Thái Lan hiện nay. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khả năng cạnh tranh của xứ Chùa Vàng tiếp tục đối mặt nhiều thách thức lớn do bất ổn chính trị có ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Hiện đất nước hơn 67 triệu dân này đang xúc tiến mạnh nhiều chương trình quảng cáo du lịch, nhằm thu hút khách quốc tế quay trở lại sau một thời gian dài khủng hoảng. Thế nhưng, an ninh bất ổn là rào cản lớn nhất cho Ngành Du lịch nước này có thể trở về thời kỳ hoàng kim như cách đây một thập niên.

Sau làn sóng biểu tình bạo động trên đường phố, tình hình Thái Lan đã có những chuyển biến dưới sự lãnh đạo của chính quyền Thủ tướng Prayuth. Đặc biệt, sự ủng hộ của đa số người dân với bản dự thảo Hiến pháp trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 7-8 đã mang đến hy vọng về một tương lai ổn định tại quốc gia này. Đáng tiếc, những gì vừa diễn ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mục tiêu phát triển đất nước và có khả năng làm lung lay niềm tin của dân chúng đối với nỗ lực bảo đảm hòa bình và trật tự xã hội của Chính phủ.

Quỳnh Dương