Cuộc sống thành thị trên giấy dó

Văn hóa - Ngày đăng : 07:07, 15/08/2016

(HNM) - Giấy dó truyền thống thường được nghệ sĩ sử dụng để thể hiện những đề tài xưa cũ hay về các miền quê tĩnh lặng, nhưng họa sĩ Tô Kim Nhung lại dùng chúng để tái hiện cuộc sống thành thị hiện đại, đổi mới từng ngày của Hà Nội.


Họa sĩ Tô Kim Nhung sinh năm 1983, tại tỉnh miền núi Yên Bái. Sau đó, chị về Hà Nội, theo học Đại học Mỹ thuật Việt Nam trong một năm rồi giành được học bổng du học tại Học viện Mỹ thuật trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc). Tô Kim Nhung học Ngành Quốc họa, nên phong cách sáng tác của chị đề cao tính truyền thống. Tốt nghiệp, về nước, chọn sống và làm việc tại Hà Nội, nhiều năm qua, Tô Kim Nhung lặng lẽ, kiên trì theo đuổi con đường sáng tác riêng. Nữ họa sĩ nhỏ nhắn, có vẻ rụt rè, lại ít tiếp xúc với công chúng, vì "tranh đã nói tất cả". Cuộc sống thành thị được Tô Kim Nhung thể hiện nhiều nhất. Hà Nội khác biệt với vùng núi hoang sơ, trùng điệp mà chị được sinh ra, lớn lên. Hà Nội cũng rất gần gũi, thân thuộc so với đất nước láng giềng mà chị theo học trong một khoảng thời gian dài. Và đây là nơi xác định sẽ sống lâu dài nên chị cũng muốn tìm những góc riêng cho mình. Điều đó phần nào giải thích cả tựa đề của triển lãm - "Thành thị niên sử", diễn ra tại Chọn gallery (16 Tràng Tiền, Hà Nội).


Một tác phẩm được trưng bày tại triển lãm.


Với 13 bức tranh màu tự nhiên trên giấy dó, người xem thấy được cảm nhận độc đáo trong phác họa cuộc sống đô thị của nữ họa sĩ. Triển lãm này gây ấn tượng với người xem - như đã nói ở trên - là ở sự nhuần nhị, khéo léo của nữ họa sĩ khi thể hiện được những đặc trưng thành thị qua chất liệu truyền thống. Tô Kim Nhung vẽ Hà Nội không xô bồ, mù mịt khói sương mà đẹp đẽ, tĩnh lặng. Người xem gặp hình ảnh những chiếc xích lô chở khách đầy lãng mạn dưới những tán lá trong bức "Đi dưới hàng cây"; dòng người đông đặc mà như "Trăm hoa đua nở trên phố"; những chiếc xe thương binh chờ chở hàng bên đường ở "5 anh em trên một chiếc xe tăng"; người nông dân trở về mái nhà cũ dưới chân cầu Long Biên trong "Trời tre xanh và người làm nông trên đường về nhà"; những lao công, công nhân vệ sinh thoát nước đô thị cần mẫn làm việc trong "Người lao công mang đi cành hoa Tết cuối cùng", "Thành phố vội vàng làm sạch cống trước mùa mưa"… Nhìn sâu, những bức tranh ấy còn chất chứa triết lý sống phương Đông và đạo Phật, có lẽ bởi nữ họa sĩ là một phật tử đạo tràng, đã ngấm rất sâu. Có lúc, tác giả đề cập đến mặt trái của đô thị nhưng lại theo cách nhẹ nhàng, dịu dàng, tựa như lời khuyên nhủ, thuyết phục ai đó, như đã thấy trong "Nghiện chơi game", "Cà phê chồn", "Đống rơm vàng"… Victor Tretyakov, Giám tuyển của triển lãm cho rằng: "Tô Kim Nhung mong muốn che sự không hoàn hảo của xã hội đô thị bằng những bình phong thơ ca và nghệ thuật. Cô và tác phẩm của mình là tiếng nói thầm lặng của người quan sát".

Hầu hết tranh của Tô Kim Nhung đều có góc nhìn rộng, để người xem có thể bao quát được cảnh quan thành thị, thấy và cảm nhận sự thân thuộc, theo giải thích của giám tuyển là do nữ họa sĩ có thói quen di chuyển bằng xe buýt và quan sát phố phường mỗi khi ngồi trên xe. Với kỹ thuật hoàn thiện, khả năng kiểm soát tốt đặc tính của chất liệu giấy dó và màu, tranh của Tô Kim Nhung vừa có sự mềm mại, tỉ mỉ, vừa có nét chấm phá sắc bén, đề cao quan điểm và tiếng nói của phụ nữ trong thời đại ngày nay, ở thành thị.

Thụy Du