Quản lý, bảo đảm chất lượng nhà tái định cư: Cần chủ thể và cơ chế rõ ràng
Bất động sản - Ngày đăng : 06:17, 15/08/2016
Người dân sống trong khu TĐC vừa ở, vừa lo, bởi kiến nghị về tình trạng nhà ở xuống cấp hết năm này sang năm khác mà không được giải quyết... Về những đề xuất nhằm cải thiện chất lượng các khu nhà TĐC, có nhiều khuyến nghị đáng lưu tâm, trong khi đó người dân bày tỏ mong muốn, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách rõ ràng.
Giải quyết những vấn đề vướng mắc, nâng cao chất lượng nhà tái định cư rất cần những cơ chế, giải pháp cụ thể. Ảnh: Nhật Nam |
Tình trạng chung
Khu TĐC Đền Lừ II (quận Hoàng Mai) được đưa vào sử dụng năm 2006 và chỉ sau 10 năm, cả 5 tòa nhà A1, A2, A3, A4, A5 đã xuống cấp trầm trọng. Bà Đặng Thị Mười, 64 tuổi, sống tại phòng 707, nhà A2, cho biết: "Từ khi chuyển về đây đến nay, chúng tôi phải sống chung với mùi xú uế của rác thải. Nước sinh hoạt nếu không qua máy lọc thì không dám sử dụng. Tường nhà ẩm thấp và tróc lở. Người dân kêu mãi, báo, đài phản ánh cũng nhiều nhưng sự việc đâu vẫn hoàn đấy".
Giống như bà Mười, vợ chồng ông Nguyễn Tấn Tiến và bà Nguyễn Thị Bích Vân trước khi chuyển về phòng 411, nhà A4, khu TĐC Đền Lừ, đã sở hữu căn nhà 3,5 tầng, diện tích 72m2 ở phường Phương Liệt. Sau khi Nhà nước thu hồi đất cho dự án, ông bà và 2 người con chuyển về căn hộ TĐC rộng 53,6m2. “Những tưởng nhà mới, mua giá ưu đãi thì cuộc sống được cải thiện, ai ngờ chất lượng nhà TĐC lại kém như vậy” - bà Vân than phiền. Theo phản ánh của ông Tiến, đường ống nước của tòa nhà bị rò rỉ nên hầu hết các hộ phải sống chung với ẩm mốc quanh năm. Ông Tiến dẫn chúng tôi đến cửa đổ rác tầng 4, nhà A4, cách căn hộ của ông vài bước chân và nói: Cánh cửa vào nơi đổ rác lẽ ra phải làm kín đáo, chắc chắn thì nay được thay bằng bìa tận dụng từ các thùng mì tôm, do người dân tự làm để ngăn mùi xú uế...
Không đến nỗi xuống cấp nghiêm trọng như khu TĐC Đền Lừ, song người dân sinh sống tại nhà A6 Giảng Võ (nhà xây lại 9 tầng, trong đó 6 tầng dùng TĐC) cũng đối mặt tình trạng ô nhiễm rác thải. Chị Nguyễn Linh Anh, sống tại phòng 903, cho biết: Đáng sợ nhất là ở đây tình trạng mất nước thường xuyên. Thang máy hỏng, người dân nhiều lần bị kẹt. Ô nhiễm rác thải khiến nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm cao.
Nhà xuống cấp, thường xuyên mất nước, hỏng thang máy, đơn vị quản lý, vận hành chậm khắc phục, sửa chữa... là tình trạng chung của hầu hết các khu nhà TĐC trên địa bàn thành phố. Đáng nói là người dân các khu TĐC đã kiến nghị, phản ánh rất nhiều, nhưng tình trạng trên không được xử lý triệt để. Mới nhất, đêm 12-8 vừa qua, mặt sàn sảnh ra vào tòa nhà chung cư N5, khu TĐC Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai bỗng nhiên sụt lún, gạch nền vỡ nát. Đây không phải là lần đầu tiên, trước đó, năm 2014, sàn trước cửa thang máy của tòa nhà này cũng bị sập.
Đâu là giải pháp?
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, các khu nhà TĐC được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, thiết kế rập khuôn, chứ không hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sống cho những người dân buộc phải dọn tới đây sinh sống.
Thực tế là để nhà chung cư luôn sạch sẽ, thang máy hoạt động ổn định phục vụ tốt cuộc sống của cư dân, đòi hỏi phải có một nguồn kinh phí ổn định để duy trì, bảo dưỡng hệ thống điện, nước, xử lý nước thải, rác thải và gìn giữ cảnh quan môi trường. Tuy nhiên, tại các khu nhà TĐC, khoản kinh phí này thường không có hoặc có rất ít. Tương tự, quỹ bảo trì 2% theo giá bán cũng rất nhỏ vì giá bán nhà TĐC thường thấp hơn nhà thương mại. Tại khu TĐC Đền Lừ, mỗi hộ dân chỉ đóng 30.000 đồng/tháng tiền dịch vụ; tiền thu gom rác nộp theo quy định của Nhà nước. Các khoản phí bảo trì thang máy hay quét dọn rác thải ở khu vực cầu thang bộ và giữ gìn môi trường chung của khu dân cư không có, trong khi yêu cầu người dân đóng thêm là không đơn giản.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, với người nghèo, người thu nhập trung bình, nơi ở phải gắn với nơi tạo ra thu nhập. Vì vậy, nhà TĐC khi xây dựng phải gắn với các công trình dịch vụ công cộng. Nhà nước cũng nên khuyến khích xây dựng nhà giá rẻ và đền bù tiền để người dân được tự chọn lựa ngôi nhà mình ở, phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng. Nhà TĐC cũng nên coi là sản phẩm hàng hóa. Sản phẩm này phải đưa ra thị trường thì mới đánh giá được chất lượng, hiệu quả. Về góc nhìn này, KTS Phạm Thanh Tùng cũng lưu ý, với tình trạng xây dựng nhà TĐC chất lượng quá kém như hiện nay, nếu không cẩn thận sẽ làm xuất hiện những “khu ổ chuột” mới.
Kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng các khu nhà TĐC, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, việc kêu gọi xã hội hóa nhằm san sẻ gánh nặng cho Nhà nước khi xây dựng các khu TĐC là cần thiết. Song về bản chất, xây nhà TĐC cho người dân là trách nhiệm của Nhà nước, việc bảo đảm chất lượng công trình và duy tu, bảo dưỡng cũng vậy. Luật hiện hành đã quy định, 2% giá trị xây dựng chung cư cao tầng phải được chuyển cho Ban quản lý tòa nhà phục vụ cho công tác duy tu, bảo dưỡng. Ngoài ra, khi thu hút các nguồn lực tư nhân, cần nêu rõ DN sẽ được hưởng ưu đãi gì thì mới tạo được động lực thu hút nhà đầu tư tham gia cung cấp dịch vụ trong các tòa nhà TĐC.
Khi được hỏi về những đề xuất nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống tại các khu TĐC, nhiều người dân mong muốn, Nhà nước có cơ chế, chính sách rõ ràng. Ban quản lý tòa nhà phải hoạt động hiệu quả để người dân có thể tin cậy và giao cho đơn vị này giữ kinh phí duy tu, bảo dưỡng tòa nhà, chứ không thể để các khu TĐC rơi vào tình trạng tự quản, hoặc có Ban quản lý cũng như… không.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về Tăng cường phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đô thị, bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ đặt mục tiêu huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ xã hội gắn liền với các chính sách về an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Các bộ, ngành liên quan tạo mọi thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh cung cấp dịch vụ xã hội đô thị. Bộ Tài chính xây dựng các cơ chế tài chính liên quan đến cung cấp dịch vụ xã hội đô thị nhằm huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách cho phát triển dịch vụ xã hội đô thị... |