Giữ vững vị thế đi đầu về xây dựng nông thôn mới

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:54, 15/08/2016

(HNM) - Đan Phượng là huyện đầu tiên của TP Hà Nội được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Phấn đấu giữ vững vị thế địa phương dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới, đồng thời thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, Đan Phượng đã xác định rõ những thách thức và cụ thể hóa Nghị quyết bằng các chương trình hành động.

Mô hình trồng hoa lan cho giá trị cao ở huyện Đan Phượng. Ảnh: Viết Thành


Giải phóng "điểm nghẽn" hạ tầng

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, hầu hết các địa phương đều phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Đối với Đan Phượng, huyện NTM đầu tiên của Hà Nội, đáng kể nhất là về hạ tầng và thu nhập bình quân đầu người.

Hạ tầng vẫn được coi là “điểm nghẽn” lớn nhất ảnh hưởng đến sự phát triển của huyện. Hiện nay, đường trục kết nối Đan Phượng với nội đô Hà Nội là quốc lộ 32 nhưng đang quá tải. Tuyến đường 417 và 422 có vị trí quan trọng đối với Đan Phượng nhưng đã xuống cấp và không đáp ứng được yêu cầu giao thông và phát triển kinh tế của huyện. Dự kiến, việc đầu tư nâng cấp tuyến đường 417 sẽ được trình thành phố và đưa vào kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020. Nhưng còn tuyến đường 422 với tổng mức đầu tư gần gấp đôi tuyến đường 417 thì hiện rất khó khăn...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Đan Phượng lần thứ XXIII xác định mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người lên 55 triệu đồng/năm (cao hơn mức bình quân khu vực nông thôn ngoại thành của thành phố - 49 triệu đồng/người/năm). Đây cũng thực sự là thách thức lớn đối với Đan Phượng. Vì theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Trịnh Thế Khiết, khi được công nhận là huyện NTM, thu nhập bình quân đầu người của huyện mới đạt 28 triệu đồng/người/năm (hiện cũng mới đạt khoảng 29 triệu đồng/ người/năm). So sánh với mặt bằng chung, đây là mức khá thấp, vì thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Hà Nội năm 2015 đã đạt 33 triệu đồng/người/ năm. Huyện sát cạnh Đan Phượng là Hoài Đức cũng đã đạt trên 35 triệu đồng/người/năm.

Mặc dù 70% trong tổng số hơn 4.000ha đất nông nghiệp của huyện đã được chuyển đổi sang sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao thay cho trồng lúa, nhưng tình trạng sản xuất manh mún vẫn phổ biến. Mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết với doanh nghiệp như mô hình trồng lan của HTX Đan Hoài với Công ty Flora mới chỉ là những điểm sáng ít ỏi. Trong khi đó, bình quân diện tích đất nông nghiệp trên đầu người của huyện chỉ có khoảng 240m2/khẩu. Vì vậy, vấn đề tăng thu nhập cho nông dân của Đan Phượng là bài toán không dễ có lời giải.

Ngoài ra, với mục tiêu phát triển 13 cụm công nghiệp trong nhiệm kỳ này, Đan Phượng trước hết sẽ phải trả lời câu hỏi: Lấy đâu ra đủ vốn để làm hạ tầng và làm thế nào để thu hút doanh nghiệp đầu tư, lấp đầy diện tích?

Phát huy sức mạnh “7 chương trình, 2 kế hoạch”

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng cho biết, cơ cấu kinh tế của huyện đang chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Đến nay, Huyện ủy Đan Phượng đã ban hành 7 chương trình, 2 kế hoạch và 2 nghị quyết chuyên đề cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII. Trong đó, nhận thức kết quả xây dựng NTM chỉ là bước đầu, Huyện ủy Đan Phượng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “Về lãnh đạo phát triển nông nghiệp, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM huyện Đan Phượng giai đoạn 2016-2020”, phấn đấu giữ vững vị thế địa phương đi đầu trong xây dựng NTM của thành phố.

Hiện nay, Đan Phượng đang tăng cường kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 06 của Huyện ủy về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Hướng chỉ đạo của huyện đã được xác định: Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là mở rộng diện tích các loại rau, hoa, quả trái vụ được thị trường ưa chuộng; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có điều kiện tích tụ ruộng đất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, phát triển trang trại, làng nghề; gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường, chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản…

Đây là hướng đi được lãnh đạo thành phố đánh giá cao trong các cuộc làm việc gần đây. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Đan Phượng cần bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, quyết tâm đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đã đặt ra. Đồng thời, huyện cũng cần quan tâm những giải pháp có tính lâu dài. Về phát triển hạ tầng, ngoài nỗ lực của địa phương, cần tranh thủ sự hỗ trợ từ các sở, ngành thành phố. Nhưng, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư lại phụ thuộc chủ yếu ở nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền huyện. Không chỉ người dân mà cả hệ thống chính trị xác định phải sáng tạo hơn trong xây dựng chính sách, giải pháp, phương hướng mới trong huy động nguồn lực, khắc phục khó khăn để không ngừng phát triển. 

Võ Lâm