Lễ chùa mùa Vu Lan báo hiếu
Xã hội - Ngày đăng : 07:49, 16/08/2016
Lễ Vu Lan là thời điểm nhắc nhở con cái về công ơn trời biển của cha mẹ.
Mỗi người con lại có cách báo hiếu và thể hiện sự trân trọng công ơn của đấng sinh thành theo một cách khác nhau. Có người chọn cách lên chùa cầu cho cha mẹ bình an, tụng kinh cầu siêu cho ông bà tổ tiên.
Lễ Vu Lan rơi vào ngày rằm tháng 7 – là tiết xá tội vong nhân. Theo tín ngưỡng dân gian, đây là ngày mở cửa ngục ân xá để các vong linh đã từng mắc nhiều tội lỗi trên trần gian có cơ hội được siêu thoát và đến những cảnh giới an lành. Bởi vậy, nhiều người tin rằng đây là tháng có rất nhiều điều cần kiêng kỵ, nên khuyến khích ăn chay và làm việc thiện.
Trong những ngày này, nhiều ngôi chùa tại Hà Nội cũng như trên cả nước đều tổ chức lễ cầu siêu, cúng dường, tụng kinh Vu Lan, mong cho chúng sinh luôn an lạc.
Lễ phả độ gia tiên - cầu cho các hương linh sớm được độ thoát.
Những người con dù có bận rộn tới đâu cũng tự nhắc mình dành thời gian nhớ về ông bà cha mẹ bằng những hành động thiết thực.
Nhiều người đóng góp công đức để xây dựng chùa và phóng sinh với mong muốn làm việc thiện tích phúc hồi hướng cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cầu cho gia đình bình an, cuộc sống thuận hòa.
Đây cũng là dịp để cha mẹ hướng con cái đi theo cái thiện và học đạo làm người.
Những người còn mẹ sẽ cài hoa hồng đỏ lên áo với ý nghĩa bày tỏ niềm hạnh phúc khi còn được ở bên và phụng dưỡng mẹ. Ngược lại, hoa hồng trắng mang ý nghĩa xót xa và tưởng nhớ người mẹ đã khuất. Bông hồng cài trên áo còn để tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, dù họ còn hay đã mất.
Theo quan niệm "trần sao âm vậy", việc đốt vàng mã cũng đã trở thành một phong tục trong lễ Vu Lan và xá tội vong nhân.
Với những giá trị nhân văn tốt đẹp, hướng con người tới cái thiện và tránh xa điều ác, Phật giáo đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người Việt.
Cuộc sống ngày càng bộn bề giữa nỗi lo cơm áo gạo tiền, bởi vậy những phút giây được quây quần bên cha mẹ và những người thân trong gia đình lại càng đáng trân trọng hơn.