Quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Kinh tế - Ngày đăng : 08:31, 16/08/2016

(HNM) - Cùng với dồn điền, đổi thửa, TP Hà Nội tiếp tục có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi, tạo cơ chế để doanh nghiệp liên kết với nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất... Đây là kiến nghị của cử tri ở khu vực ngoại thành tại các cuộc tiếp xúc cử tri (TXCT) trước và sau kỳ họp thứ hai, HĐND TP Hà Nội khóa XV.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống hoa tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng. Ảnh: Bá Hoạt


Nhiều kiến nghị về phát triển nông nghiệp

Tại các cuộc TXCT của các tổ đại biểu HĐND thành phố trước và sau kỳ họp ở các huyện, hầu hết các kiến nghị của cử tri đều xoay quanh lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, vì đây là vấn đề liên quan mật thiết với mỗi gia đình nông dân. Tại huyện Thường Tín, 1/2 ý kiến cử tri nêu những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nhất là công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn… Cử tri kiến nghị thành phố hướng dẫn chuyển dịch cơ cấu cây trồng sau dồn điền đổi thửa. Vì thực tế, nông dân rất lúng túng từ việc chọn lựa trồng cây gì? Nuôi con gì? Phương thức huy động vốn như thế nào?

Tương tự, tại các cuộc TXCT ở huyện Thanh Trì, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Phúc Thọ…, hầu hết ý kiến của cử tri đều có nội dung liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhiều cử tri kiến nghị, cùng với quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, Nhà nước cần quan tâm việc hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm rau an toàn để nâng nguồn thu nhập cho các hộ sản xuất nông nghiệp. Cử tri Nguyễn Văn Đạo (xã Phụng Thượng, Phúc Thọ) cho rằng, sau dồn điền, đổi thửa, việc cần làm ngay là hướng dẫn, tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư hạ tầng giao thông thủy lợi… để tạo thuận lợi sản xuất, nuôi trồng chuyên sâu, nhưng vẫn chưa được thực hiện hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, doanh nghiệp không mặn mà liên kết với nông dân trong đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản do giao thông khó khăn, trong khi quy hoạch vùng sản xuất tập trung lại xa trung tâm, không tiện cho vận chuyển, quản lý, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật. Không chỉ vậy, hệ thống lưới điện cho vùng sản xuất tập trung sau dồn điền, đổi thửa cũng không được quan tâm, đầu tư, khiến cho nông dân gặp nhiều trở ngại trong sản xuất. “Ở Phúc Thọ, có nơi sau dồn điền, đổi thửa từ 2 đến 5 năm, nhưng hệ thống điện chưa hoàn chỉnh hoặc chưa có, dẫn đến tưới cây, rửa chuồng trại tăng chi phí nhân công” - ông Nguyễn Văn Đạo phản ánh.

Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Để đạt mục tiêu đến năm 2020, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của TP Hà Nội đạt 49 triệu đồng/người/năm, trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, UBND TP Hà Nội có đề cập đến việc phát triển nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân bằng giải pháp: Huy động mạnh mẽ các nguồn lực, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn…; tổ chức đánh giá lại kết quả các tiêu chí nông thôn mới đối với các xã đã đạt chuẩn để thực hiện nâng cấp các chỉ tiêu cho phù hợp. Như vậy, thành phố đã và sẽ chú trọng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn. Song, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố về kế hoạch trên cho rằng, UBND TP Hà Nội cần làm rõ, bổ sung các giải pháp cụ thể.

Giải trình, bổ sung về lĩnh vực này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, sau dồn điền, đổi thửa, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Bước đầu, đã hình thành và mở rộng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông sản, thực phẩm tập trung như lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả, chăn nuôi xa khu dân cư, nuôi trồng thủy sản… Hiện tại, thành phố có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp tham gia phát triển công nghệ cao, trong đó Tập đoàn Vingroup đã nghiên cứu phát triển vùng trồng rau sạch và chuỗi cung cấp rau sạch cho người dân thành phố. Ngoài ra, tập đoàn trên còn đề nghị thành phố cho phép đầu tư vào dự án Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại nông nghiệp TP Hà Nội tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông...

Việc liên kết, kêu gọi doanh nghiệp tham gia hợp tác, đầu tư là rất tích cực, song số lượng doanh nghiệp mặn mà với lĩnh vực này chưa nhiều. UBND thành phố cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng vùng chuyên canh tập trung cho nông dân, thu hút các doanh nghiệp hợp tác đầu tư; kèm với đó là chuyển giao kỹ thuật, “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn nông dân xây dựng mô hình sản xuất phù hợp. Đây cũng là mong muốn của nhiều cử tri các huyện ngoại thành sau dồn điền, đổi thửa.

Tuấn Việt