Cách đạt mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ

Thế giới - Ngày đăng : 06:58, 17/08/2016

(HNM) - “Không thể có chuyện chúng tôi đã thực hiện đủ thứ tốt đẹp cho EU trong khi đổi lại chẳng nhận được gì cả”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã có tuyên bố trong phát biểu mạnh mẽ được xem là “tối hậu thư” đối với Liên minh Châu Âu (EU).


Theo đó, quan điểm của Ankara là EU phải thông qua việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của nước này vào tháng 10 tới nếu không muốn thỏa thuận mà khối này ký kết với Ankara nhằm ngăn chặn dòng người di cư tràn vào Châu Âu đổ vỡ.

Thỏa thuận di cư với EU mang lại những lợi ích chiến lược cho Thổ Nhĩ Kỳ.


Thực tế, ngay từ tháng 6, Ủy ban Châu Âu (EC) đã từng tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ không thể đáp ứng đúng hạn 72 điều kiện để được EU cho phép 79 triệu người dân nước này thoải mái di chuyển trong khu vực phi biên giới Schengen (bao gồm 26 nước). Điều khiến EU không hài lòng nhất là Thổ Nhĩ Kỳ quá chậm trễ trong việc điều chỉnh một số điều khoản trong bộ luật chống khủng bố để bác bỏ những cáo buộc từ phương Tây rằng chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã không nỗ lực đủ mạnh trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.

Đặc biệt, chiến dịch trấn áp của Chính phủ Tổng thống R.Erdogan nhằm vào những thành phần tham gia cuộc đảo chính bất thành hôm 15-7, bao gồm cả việc cân nhắc khôi phục án tử hình, mà Châu Âu cho rằng thái quá đang khiến mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ tổn hại đáng kể. Bên cạnh việc cho rằng Ankara đang đi ngược lại những nguyên tắc dân chủ, EU cũng lo ngại về tính độc lập của bộ máy tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ khi chính quyền của vị tổng thống cứng rắn liên tiếp sa thải hoặc bắt giữ gần 20.000 binh lính, cảnh sát, thẩm phán và công tố viên. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ còn đối mặt với những cáo buộc của Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) về việc quân đội nước này đã nổ súng vào người tị nạn Syria và buộc họ phải trở về quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá. AI đã hối thúc Châu Âu “đừng làm ngơ trước những vụ chà đạp nhân quyền của người tị nạn” tại Thổ Nhĩ Kỳ - động thái được xem là “đổ thêm dầu vào lửa” đối với những nỗ lực gia nhập ngôi nhà chung của Ankara. Mới đây nhất, Thủ tướng Áo còn đề nghị tạm ngừng các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ.

Dường như cảm nhận được những gập ghềnh trên con đường gia nhập liên minh, Thổ Nhĩ Kỳ đã có sự chuyển hướng khi nỗ lực và đạt được bước tiến vượt bậc trong việc cải thiện mối quan hệ căng thẳng với Nga. Sau cái bắt tay với Tổng thống Nga Vladimir Putin và những cam kết dỡ bỏ trừng phạt kinh tế nhằm vào Ankara của nhà lãnh đạo xứ Bạch dương, Tổng thống R.Erdogan muốn lựa chọn giải pháp an toàn, giành lợi thế trong cuộc đàm phán với Châu Âu và khẳng định rằng, Thổ Nhĩ Kỳ luôn có “phương án B” chứ không chỉ chờ đợi cái gật đầu của EU.

Tuy nhiên, phải nói rằng, gia nhập mái nhà chung là mơ ước được ấp ủ bấy lâu nay của Ankara bởi điều đó mang đến nhiều lợi ích kinh tế, thương mại và đặc biệt là một vị thế chính trị cho quốc gia nằm ở hai lục địa Á - Âu. Vũ khí quan trọng nhất mà nước này đang sở hữu hiện tại là thỏa thuận di cư với Châu Âu. Nếu văn bản này sụp đổ thì gần như khát khao trở thành một quốc gia EU của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tan vỡ. Vì thế, việc đưa ra “tối hậu thư” cho EU không phải thể hiện sự sẵn sàng từ bỏ bản thỏa thuận mà là cách chính quyền Tổng thống R.Erdogan thúc giục và tăng áp lực đối với Châu Âu để nhanh chóng đạt được mục tiêu của mình.

Hoàng Linh