Bài học này không phải của riêng ai

Đời sống - Ngày đăng : 06:22, 17/08/2016

(HNM) - Kiến trúc sư Trần Huy Ánh có một bài phân tích khá sâu về những khiếm khuyết của tòa nhà Trung tâm Hành chính của TP Đà Nẵng. Tôi không phải là kiến trúc sư để bình luận về chuyên môn, nhưng tôi có chung cảm nhận như những gì kiến trúc sư đã nhận xét trong bài báo Bài học để đời từ “Bắp ngô thủy tinh” đăng trên tờ An ninh Thủ đô ngày 13-8-2016.

Từ nhiều năm nay, TP Đà Nẵng luôn nhận được những nhận xét, đánh giá đầy thiện cảm của dư luận về những gì thành phố này đã làm được. Như lời khen dành cho một thành phố trẻ, năng động, sáng tạo, có nhiều thành công trong tư duy, trong cách làm khiến nhiều tỉnh, thành trong cả nước trầm trồ, ngợi khen, học hỏi.

Nhưng từ sau phiên họp HĐND thành phố ngày 11-8 mới đây, chuyện Đà Nẵng dự tính di dời cơ quan làm việc của thành phố ra khỏi tòa nhà được coi là biểu tượng, là niềm tự hào của địa phương khiến cả nước giật mình.

Việc tòa nhà mới đưa vào sử dụng hơn hai năm mà đã bộc lộ rất nhiều nhược điểm, nhất là tiện ích và công năng sử dụng vốn là những tiêu chí hàng đầu đối với một công trình xây dựng, với người ngoài cuộc có thể là khá bất ngờ. Nhưng với hơn 1.000 cán bộ, công chức của thành phố đã hằng ngày làm việc tại đây và với những ai khi có công việc phải vào ra, thì hơn hai năm qua đã là một sự chịu đựng, cố gắng lắm rồi. Giờ đến lúc buộc phải nói ra thôi.

Những bất cập mà người trong cuộc nói tới một cách khá dè dặt, là sự ngột ngạt, thiếu dưỡng khí (khí tươi), là bức bối, là tốn điện, là vận hành, giao thông bên trong bên ngoài tòa nhà có quá nhiều bất cập. Là những bức xúc khi sở, ngành này họp hành gây ồn ào, vướng bận cho các sở, ngành kia; là sự lúng túng cho người dân khi có việc phải hỏi thăm, dò tìm mãi mới ra nơi mình cần tới… Và, chuyện dù là hy hữu, nếu có sự cố chẳng may xảy ra nhưng không thể không tính đến, là thiên tai, địch họa… Toàn là những việc vô cùng quan trọng.

Không phải đến bây giờ, mà ngay khi tòa nhà Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng mới đưa vào sử dụng khoảng nửa năm, tôi có dịp trò chuyện với một lãnh đạo của thành phố, đồng chí này đã đề cập tới những khiếm khuyết của tòa nhà. Đồng chí tỏ ra e ngại khi phải nói lên sự thật, trong lúc dư luận trong, ngoài thành phố đang khen hết lời về tòa nhà biểu tượng cho tinh thần đổi mới, năng động, sự quyết đoán của thành phố trẻ miền Trung.

Bây giờ thì người Đà Nẵng đã không thể im lặng được nữa rồi. Một tòa nhà cao ngất, bốn bề ốp kính ở xứ sở nhiệt đới chan hòa ánh sáng, từ biểu tượng “cây hải đăng” bên bờ biển, bây giờ trở thành biểu tượng “bắp ngô thủy tinh”, hay có thể tặng cho nó những cái tên khác nữa, là “cái lò nung”, là “trung tâm xông hơi” cũng được.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nói về cái được “là một bài học để đời”, “mất tiền để được trí khôn”. Bài học đắt giá này Đà Nẵng không phải là nơi đầu tiên, cũng không phải là duy nhất. Liệu người ta có thể hy vọng đây là bài học cuối cùng?

Câu chuyện tòa nhà Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng khiến tôi nhớ lại cách đây khoảng mươi lăm năm, tại một hội nghị phê duyệt dự án thiết kế kiến trúc tòa nhà Phát thanh - Truyền hình tỉnh H.N. Dù thời gian trôi qua đã khá lâu, song tôi vẫn nhớ nguyên vẹn. Nhà tư vấn thiết kế đã rất say sưa ca ngợi những giá trị đặc sắc, độc đáo, sáng tạo… của công trình. Trong đó có hai “điểm nhấn” rất đáng kể: Một, tòa nhà mang biểu tượng chữ H - bởi vì tên “tỉnh ta là tỉnh H.N”. Thứ hai, việc ưu tiên lựa chọn phương án ốp kính cả bốn mặt để thể hiện sự sang trọng, mới lạ, độc đáo (!). Ngoài ra, còn nhiều chi tiết khác được nhà tư vấn hết lời tán dương.

Rất may, là người chủ trì hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy không bị ràng buộc, chi phối bởi quan hệ thân quen hay có lợi ích gì trong dự án này. Đồng chí đã gợi ý các ý kiến phản biện. Tôi nhớ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy H.N đã tập trung nói sâu hai ý mà nhà tư vấn đang rất say sưa thuyết phục tỉnh nhà: Một là, nếu coi biểu tượng “chữ H” là tiêu chí hàng đầu mà phương án kiến trúc cần phải có, thì hoàn toàn không cần thiết. Vì ở nước ta, có hàng chục tỉnh, thành có tên gọi chữ đầu là H: Hà Nội, Hà Bắc, Hà Tây, Hà Giang, Hà Tĩnh,… Đó là chưa nói những tỉnh Hòa Bình, Hải Dương, Hậu Giang… cũng có chữ đầu là H. Và xin nói thêm, cái biểu tượng mà phương án kiến trúc đang hướng tới, dù nhà tư vấn dùng rất nhiều kiến thức chuyên môn để ca ngợi là đẹp, nhưng tất cả chúng tôi ngồi đây đều không thấy đẹp. Cái đẹp tự nó cất tiếng nói chứ không cần phải miêu tả nhiều lời. Những ai đứng trước Nhà hát Lớn Hà Nội, liệu có cần phải nói nhiều về vẻ đẹp của nó như chúng ta đang nói về tòa nhà Phát thanh - Truyền hình của tỉnh ta? Đồng chí Bí thư nói điều này khiến mọi người liên tưởng đến biểu tượng chữ H của tòa nhà Phát thanh - Truyền hình Hà Nội. Cho tới bây giờ liệu có mấy người dám khen đây là một kiến trúc đẹp?

Và, thứ hai, nếu nói phải ưu tiên sử dụng vật liệu kiến trúc bằng kính để ốp kín bốn mặt thì tòa nhà mới sang trọng thì càng sai lầm. Cái sang trọng của công trình không phải chỉ ở vật liệu xây dựng. Hơn nữa ở Châu Âu, xứ lạnh, ít ánh sáng trời, người ta mới ưu tiên sử dụng nhiều kính. Còn ở Việt Nam, nếu chúng ta ốp kính kín như bưng thế này thì mùa hè nóng chịu sao cho thấu bởi hiệu ứng nhà kính gây ra. Cùng với một số ý kiến của những người dự hội nghị đã chỉ ra những nhược điểm bất cập khác khiến phương án kiến trúc này phải làm lại. Thật may, tỉnh H.N của chúng tôi đã tránh được một sai lầm!

Trở lại câu chuyện tòa nhà Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng hôm nay, khi chỉ ra một cách rất xác đáng những bất cập về kiến trúc, công năng của tòa nhà, dư luận không khỏi băn khoăn, để xảy ra sự cố “Bài học để đời” này, ngoài trách nhiệm của những người đề ra ý tưởng, chủ trương còn là những cấp, những cơ quan tư vấn thiết kế, thẩm định, phê duyệt… trước đây đã tham mưu, tư vấn ra sao? Một công trình vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng chắc chắn phải được rất nhiều cấp, ngành thảo luận, thông qua, kể cả HĐND thành phố. Vậy đến nay, những ai phải chịu trách nhiệm?

Thành phố Đà Nẵng cho biết, đây là việc quan trọng, sẽ phải hỏi ý kiến người dân. Lần này thành phố sẽ hỏi toàn thể nhân dân TP Đà Nẵng hay vẫn hỏi cơ quan đại diện là HĐND thành phố? Và nếu hỏi, thì hỏi như thế nào?

Tòa nhà biểu tượng “ngọn hải đăng” cao vút vẫn đứng sừng sững giữa trời, ai cũng có thể thấy cùng với biết bao day dứt, đang chờ đợi TP Đà Nẵng tìm ra lời giải.

Cả nước đang có nhiều địa phương toan tính xây các trung tâm hành chính bề thế, nguy nga. Mong rằng bài học này không phải chỉ dành riêng cho TP Đà Nẵng.

Minh Dân